Đơn giản hóa thủ tục hành chính tại TPHCM: Đột phá từ trường học, bệnh viện

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động, là bước cải tiến trong việc cải cách các thủ tục hành chính trong giáo dục, y tế.

Bệnh viện Ung Bướu (TPHCM) thực hiện chuyển đổi số giúp người dân giảm bớt được thời gian chờ đợi đăng ký khám, chữa bệnh. Ảnh: H.N
Bệnh viện Ung Bướu (TPHCM) thực hiện chuyển đổi số giúp người dân giảm bớt được thời gian chờ đợi đăng ký khám, chữa bệnh. Ảnh: H.N

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động được xem là bước cải tiến trong việc cải cách các thủ tục hành chính trong giáo dục, y tế.

Thanh toán học phí không dùng tiền mặt

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) cho biết, trước khi cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại trường, công tác lưu trữ, tìm kiếm hồ sơ gặp nhiều khó khăn.

Phụ huynh tốn nhiều thời gian đi lại trong việc xin giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ. Bên cạnh đó, thông tin không được phổ biến rộng rãi, thủ tục giải quyết hồ sơ phức tạp, chế độ thông tin báo cáo còn chậm.

“Nhờ chuyển đổi số và cải cách TTHC mà tất cả những khó khăn trên được giải quyết chỉ còn 4 bước cơ bản từ tiếp nhận đơn, chuyển bộ phận liên quan, xử lý đơn theo yêu cầu và trả kết quả theo ngày hẹn thời gian xử lý hồ sơ”, cô Vân cho hay và dẫn chứng, Trường THPT Gia Định hiện triển khai thực hiện hiệu quả việc điểm danh học sinh bằng hình thức quét thẻ, xin phép nghỉ học qua ứng dụng VinID.

Cách làm này thuận tiện cho phụ huynh trong việc xin phép cho học sinh. Đồng thời, phụ huynh có thể thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

“Hiện nay, các bộ phận đều thực hiện cải cách TTHC từ ban giám hiệu, bộ phận học vụ thường trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, bộ phận giám thị, bộ phận y tế…”, cô Vân nói.

Nhờ có chuyển đổi số trong môi trường giáo dục mà các thủ tục tiếp nhận hồ sơ cũng nhanh, gọn hơn trước. Đội ngũ giáo viên trong trường liên tục được cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, soạn giáo án điện tử, khai thác bài giảng điện tử…

Đặc biệt, chuyển biến tích cực trong cải cách TTHC đối với ngành giáo dục có lẽ là việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Theo cô Vân, ngành Giáo dục đang hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ có thể tạo ra hiệu ứng khác nhau trong giáo dục và mang lại nhiều giá trị tích cực.

Đây là xu thế không thể đảo ngược khi giáo dục ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi số trở thành giải pháp đúng đắn để giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

“Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Và trường học số chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó.

Trong đó, trọng tâm của trường học số là tạo ra những sự sáng tạo đột phá thông qua tiến trình module hóa các chương trình giáo dục, cho phép tạo ra những sự kết hợp và phối hợp có tính thích ứng cao và hiệu quả”, Hiệu trường Trường THPT Gia Định, nhấn mạnh.

Các nhà quản lý giáo dục tại TPHCM đều không phủ nhận rằng, chuyển đổi số cũng tạo ra sự an toàn trong việc đạt được các lợi ích mà tiến trình giáo dục trong nhà trường hướng đến. Quan trọng hơn cả là đem lại sự thuận tiện cho phụ huynh, học sinh.

Nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm 2024 sở tiếp tục triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến thông qua app trên di động kết hợp với bản đồ GIS nhằm hỗ trợ phụ huynh học sinh trong việc đăng ký nguyện vọng, tránh chọn các nguyện vọng quá xa nhà.

Theo ông Minh, nhờ có hệ thống này, phụ huynh học sinh đã chọn lựa những nguyện vọng phù hợp hơn trước đây. Trung bình khoảng cách một học sinh chọn trường từ nhà đến trường là khoảng 7 km. Chỉ có một số ít các trường hợp chọn các trường có khoảng cách trên 10 km.

Những trường hợp này, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn nhà trường làm công tác tư vấn, hỗ trợ để phụ huynh lựa chọn một cách phù hợp nhất, tuy nhiên vẫn trên cơ bản tôn trọng quyết định của phụ huynh, học sinh.

“Năm 2024 cũng là năm Sở GD&ĐT thực hiện công tác chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong công tác đăng ký và tổ chức kỳ thi. Học sinh sẽ không cần đăng ký bằng giấy như trước đây, tất cả hồ sơ đều được số hóa. Học sinh chỉ cần thực hiện ký xác nhận ngay tại trường. Điều này làm giảm sai sót và giúp tiện lợi rất nhiều cho phụ huynh học sinh”, ông Minh nhấn mạnh.

Chuyển đổi số ngành giáo dục được xem là một bước đột phá. Ảnh minh họa: H.N

Chuyển đổi số ngành giáo dục được xem là một bước đột phá. Ảnh minh họa: H.N

Giúp người bệnh bớt mệt mỏi

Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, trước khi thực hiện chuyển đổi số, người dân mất rất nhiều thời gian cho đăng ký khám bệnh, chờ thanh toán… Tuy nhiên, sau khi thực hiện cải cách TTHC, đối với đặt lịch khám bệnh, bệnh viện triển khai nhiều tiện ích đặt khám nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế thời gian chờ cho người dân khi đến khám và điều trị như: Ứng dụng đăng ký khám trực tuyến YOUMED, tổng đài đăng ký khám: 1900636223, qua website…

Đối với thanh toán viện phí, bệnh viện đa dạng các giải pháp thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử, mã QR, chuyển khoản, thanh toán qua thẻ khám bệnh đa chức năng… từ đó rút ngắn thời gian làm thủ tục cho bệnh nhân.

“Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Ung Bướu tiếp nhận khoảng 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Các bệnh nhân này đều phát sinh các thủ tục khám, xét nghiệm v.v… Bên cạnh đó, mỗi ngày Bệnh viện có 6.000 lượt bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú tại bệnh viện”, TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nói.

Để có được những kết quả trên, TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho hay, nhằm cải cách TTHC, đem lại những dịch vụ tiện ích nhất cho bệnh nhân, bệnh viện chỉ đạo các khoa, phòng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ viên chức trong bệnh viện, tổ chức tuyên truyền về cải cách hành chính tại các buổi họp giao ban, buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, đồng thời gửi tài liệu phổ biến, triển khai tập huấn đến các khoa, phòng.

Năm 2024, bệnh viện đã cử 6 nhân sự tham dự tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao công tác cải cách hành chính. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách quy trình, cải cách TTHC tăng cường sự hài lòng của người bệnh.

“Công tác cải cách hành chính được lãnh đạo bệnh viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên chỉ đạo tập trung thực hiện, cũng như kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Hằng tuần, tại cuộc họp giao ban sáng thứ hai, công tác cải cách hành chính luôn được báo cáo cụ thể và ban Giám đốc đã kịp thời chỉ đạo thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế”, BS Tuấn thông tin.

“Cải cách TTHC không chỉ là ở các phường, xã mà ngay chính trong môi trường giáo dục, cũng cần phải cải cách các thủ tục để đơn giản các bước cho học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên của trường. Đặc biệt, chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi trường học truyền thống trở thành trường học số là chuyển đổi bản chất của một trường học từ truyền đạt tri thức sang chuyển hóa tri thức. Theo đó, chuyển đổi từ việc tiếp thu tri thức một cách thụ động sang vận dụng và kiến tạo tri thức thích ứng hiệu quả với một môi trường đòi hỏi sự tương tác liên tục và đồng thời…”, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân cho biết.


Bài 1: Mạnh tay cắt giảm

Bài cuối: Khơi thông 'điểm nghẽn'

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ