TPHCM triển khai nhiều mô hình, giải pháp cải cách hành chính (CCHC), đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giải quyết hồ sơ trực tuyến và cắt giảm những thủ tục không cần thiết, góp phần cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Dễ dàng làm thủ tục trực tuyến
Có nhu cầu mở lại hoạt động cửa hàng thực phẩm miền Trung sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động từ trước dịch Covid-19, bà Lê Thị Lý (ngụ quận Tân Bình) tìm hiểu và nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tại bộ phận một cửa của UBND Quận 1.
Sau khi nộp hồ sơ, bà Lý nhận được tin nhắn hướng dẫn bổ sung hồ sơ còn thiếu. Thực hiện theo hướng dẫn, sau 17 ngày, bà nhận được thông báo kết quả qua tin nhắn và hồ sơ được gửi đến tận nhà.
“Hồi trước dịch, thời gian làm hồ sơ xin giấy này phải trên 3 tuần. Bây giờ thời gian rút ngắn hơn, các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi chứ không rườm rà và phải chạy đi chạy lại như trước”, bà Lý nhận xét.
Để thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính, UBND phường Tân Định (Quận 1) đã triển khai và dán gần 5.000 tờ mã QR code cổng dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ dân trên địa bàn phường với phương châm “Mỗi nhà một mã QR nhanh chóng, thuận tiện”.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Tân Định cho biết, UBND phường đã tuyên truyền tới khu phố, người dân, các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh triển khai trong các cuộc họp giao ban hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường.
Cán bộ, công chức khi tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa của UBND phường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
UBND phường cũng tăng cường viết bản tin về công tác CCHC đăng tải trên Zalo, Facebook của phường Tân Định như: Hội nghị Nhân dân; Tuổi trẻ thời 4.0 và các văn bản liên quan; về công tác CCHC; hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đề án 06…; triển khai tuyên truyền thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường.
Đa số các cơ sở kinh doanh đã chấp nhận việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử… “Hiện nay phường Tân Định có bộ phận thực hiện TTHC như: Hộ tịch, lao động - thương binh xã hội, văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng, kinh tế, bộ phận văn phòng, văn thư, giáo dục”, bà Hà cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty May mặc Dony cho biết, việc giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp hiện nay đã nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí.
“Về hỗ trợ TTHC, đa số chúng tôi sử dụng đăng ký qua mạng để hạn chế công văn giấy, liên hệ trước qua mạng để giải quyết thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Đây là một bước tiến đã cải cách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giải quyết thủ tục pháp lý một cách nhanh gọn, như thủ tục hải quan, thủ tục đăng ký tạm trú, thuế… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Quang Anh nói thêm.
Từ năm 2022 đến nay, TPHCM xác định đẩy mạnh phong trào thi đua “Cải cách TTHC, nhân rộng các mô hình, giải pháp, sáng kiến tiêu biểu về cải cách TTHC”. Đây là một trong những động lực để thành phố phục hồi, phát triển nhanh, bền vững.
Hiện thành phố có 1.793 TTHC đang áp dụng, trong đó có 1.418 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 207 TTHC giải quyết cấp huyện và còn lại thuộc cấp xã.
Thời gian qua, thành phố đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó coi trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả thực thi trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức gắn với đổi mới thể chế nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả, công bố công khai, minh bạch bộ tiêu chí TTHC.
Người dân thực hiện khai thuế tại UBND quận Bình Tân. (Ảnh: H.N) |
“Quả ngọt” từ cải cách hành chính
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp, năm 2023 chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của TPHCM đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố; tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021.
Về chỉ số hài lòng (SIPAS), TPHCM đứng thứ hạng 36 (đạt 81,78%), tăng 7 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022.
Các kết quả này cho thấy quyết tâm rất cao của lãnh đạo TPHCM với tinh thần đổi mới, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Nhiều giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách TTHC, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai đã phát huy hiệu quả.
TPHCM cũng đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để tăng cường cạnh tranh, thi đua về chất lượng thực thi nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành và địa phương.
Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song TPHCM vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng thuộc tốp đầu của cả nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 446.545 tỷ đồng (đạt 95,07% dự toán) và bằng 94,69% so cùng kỳ (471.562 tỷ đồng). Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt 1.621.191 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 5,81% so với năm 2022.
Trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TPHCM luôn là điểm sáng của cả nước; đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao đều đảm bảo thời hạn, chất lượng.
Nhờ đó, kết thúc năm 2023, TPHCM dẫn đầu trong tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với 12.398 dự án, có tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD, chiếm 31,67% tổng số dự án FDI cả nước và gần 13% tổng vốn đăng ký.
Bài 2: Đột phá từ trường học, bệnh viện
Bài 3: Khơi thông 'điểm nghẽn'
“Năm 2024, với nhiều cơ chế chính sách vượt trội, TPHCM sẽ tận dụng thời cơ nhận chuyển dịch đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, thành phố sẽ có điều kiện thúc đẩy nhanh hơn trong quá trình chuyển dịch kinh tế, đóng góp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc của Việt Nam sang hướng hiện đại hơn, xanh hơn, sạch hơn và năng suất hơn. Đặc biệt, với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM có thể áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, từ đó sẽ thu hút dòng vốn FDI hơn nữa trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, kỳ vọng.