Điều này đã khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Giải quyết hồ sơ bằng ứng dụng
Phóng viên có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Quận 10 (bộ phận một cửa) ghi nhận, bà Nguyễn Thị Thắm (ngụ Phường 15, Quận 10) đưa mẹ ruột đi nhận hồ sơ trích lục khai sinh từ năm 1954.
Theo bà Thắm, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần nộp giấy khai sinh cũ và điền mẫu đơn nộp vào khu hành chính, nhận lịch hẹn trả hồ sơ trong 3 ngày.
“Hiện nay, các thủ tục giấy tờ ngày càng đơn giản, đặc biệt nhiều thủ tục làm trực tuyến nên tiết kiệm thời gian, công sức đi lại hơn trước nhiều. Chẳng hạn, do gia đình tôi có cho sinh viên thuê trọ và làm thủ tục đăng ký tạm trú cho các em cũng dễ dàng hơn khi chỉ cần ngồi ở nhà làm hồ sơ”, bà Thắm nhận xét.
Có thể nói, thời gian qua, các địa phương, đơn vị, sở ngành của TPHCM đã tập trung cao độ trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Từ đó mang lại sự hài lòng cho cả người dân và các doanh nghiệp.
UBND Quận 1 hiện đã mở rộng mô hình “Tiếp nhận TTHC không giấy” gắn với ký kết hợp tác dịch vụ đảm bảo với bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến thông qua trung gian đối với TTHC toàn trình (dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích).
Quận 1 cũng ứng dụng “Định danh điện tử - eKYC” tích hợp vào các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ tiếp nhận TTHC “không giấy”.
Người dân, doanh nghiệp chỉ thao tác 5 bước đơn giản trên trang tin điện tử Quận 1, các thủ tục còn lại sẽ do cán bộ, công chức, viên chức UBND phường hoặc UBND quận xử lý và thông tin cho người dân. Thời gian giải quyết trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Từ đó, nhiều thủ tục giảm đáng kể thời gian giải quyết, chẳng hạn quy trình giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giảm từ 20 ngày xuống còn 17 ngày.
UBND Quận 1 đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để hỗ trợ người dân tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ.
Theo đó, lúc người dân thực hiện TTHC, hình ảnh gương mặt sẽ được lưu trữ trên máy tính của quận. Khi người dân muốn tra cứu, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt để tìm kiếm hồ sơ mà không cần nhập thông tin.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ không mất thời gian để kiểm tra lại thông tin vì hệ thống đã bóc tách chính xác nội dung, không mất thời gian phải từ chối các hồ sơ do nhập liệu sai.
Theo đại diện UBND Quận 1, tỷ lệ người dân cần giải quyết TTHC sử dụng dịch vụ công trực tuyến của quận những năm qua đều đạt trên 92% và hiện nay đang càng tăng lên.
Cùng với Quận 1, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC trên môi trường mạng, số hóa hồ sơ nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân.
Tại huyện Hóc Môn, app “Hóc Môn trực tuyến” đã mang lại nhiều tiện ích cho cán bộ và người dân trên địa bàn. Huyện đã chuẩn hóa trên 200 quy trình, TTHC thuộc thẩm quyền của huyện và đưa lên app này.
Từ đó, người dân có thể nộp hồ sơ qua điện thoại thông minh, không cần máy tính, không cần scan giấy tờ. Trình tự giải quyết hồ sơ cũng thể hiện công khai, người dân dễ dàng nắm bắt hồ sơ của mình đang ở khâu nào.
Thông qua app, người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng, “chấm điểm” công chức phục vụ và phản ánh các thông tin về trật tự đô thị, hạ tầng, an ninh trật tự…
Tại phường Tân Định (Quận 1), mỗi năm bình quân tiếp nhận và giải quyết 31.150 hồ sơ, trong đó tiếp nhận 2.170 hồ sơ trực tuyến. Bình quân một ngày tiếp nhận hơn 100 hồ sơ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại bộ phận một cửa của UBND phường này đã tiếp nhận và giải quyết 1.068/1.068 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%.
“Nhằm mục đích khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức và TTHC, UBND phường đã xây dựng, triển khai ứng dụng quét mã QR Code trong khảo sát ý kiến khách hàng.
Khi người dân đến liên hệ công tác, cán bộ, công chức, người lao động phường sẽ tuyên truyền, mời người dân thực hiện khảo sát khách hàng”, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Tân Định cho biết.
Còn tại TP Thủ Đức, việc ra mắt Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức càng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết TTHC.
Theo Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Cúc, nhiều loại thủ tục được liên thông giải quyết, người dân chỉ nộp và nhận kết quả giải quyết TTHC ở một đầu mối là Trung tâm Hành chính công.
Hiện, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của trung tâm là 362 thủ tục, trong đó cấp huyện giải quyết 221 thủ tục, cấp thị xã giải quyết 141 thủ tục.
Cải cách hành chính giúp người dân thực hiện các thao tác ngắn gọn hơn. (Ảnh: H.N) |
Đốc thúc, kiểm tra thường xuyên
Từ giữa tháng 5/2024 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính 2024 trên địa bàn.
TPHCM lập 5 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính ở các đơn vị; trao đổi và đề xuất cách khắc phục và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chuyển đổi số (DTI); năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
Đoàn cũng kiểm tra, khảo sát việc áp dụng các mô hình, giải pháp, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính tại đơn vị. Thời gian thực hiện đến hết tháng 6/2024 và đột xuất theo yêu cầu công tác.
Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, khảo sát cải cách hành chính liên quan nhiều nội dung. Trong đó gồm có công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…
Đoàn cũng kiểm tra đột xuất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các phòng ban chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành (gồm các đơn vị đang trú, đóng tại các quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn).
Theo UBND TPHCM, mục đích để đánh giá chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, kịp thời chấn chỉnh, đề xuất biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác cải cách hành chính những năm tiếp theo.
“Chúng tôi niêm yết đầy đủ các bộ thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Kiểm soát chặt chẽ các văn bản do UBND phường ban hành, kiểm soát các công việc tiếp nhận và trả kết quả đúng quy trình, quy định, đúng hẹn…”, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Tân Định (Quận 1, TPHCM) cho biết.