Ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức họp phiên thứ 2 để đánh giá tình hình và kết quả triển khai các giải pháp thủ tục hành chính.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Tổ công tác đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải cách hành chính vì thủ tục hành chính (TTHC) được cải cách và ngày càng đơn giản, hiệu quả.
Phiên họp lần này tập trung lắng nghe kết quả cải cách TTHC và nêu những mặt còn hạn chế, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Thời gian qua, cơ chế chính sách, quy định trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như Luật Giao dịch điện tử 2023.
Nghị định của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về cung cấp thông tin và DVC trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng…
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Bộ Nội vụ ban hành Thông tư về hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử; HĐND 36/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện DVC trực tuyến…
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế về chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định.
Việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực, điểm sáng đạt được cần nhân rộng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Từng cấp, ngành, địa phương phải xem cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng, là "lối thoát" để phát triển, để nỗ lực khắc phục rào cản về sự minh bạch và tìm ra cách tiếp cận mới trong quá trình thực hiện. Cần coi trọng và phát huy vai trò của người đứng đầu".
Rà soát quy trình, xây dựng quy trình mới bảo đảm phù hợp, minh bạch. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cần có sự sòng phẳng giữa các cơ quan, Nhân dân, doanh nghiệp, từng bước chuẩn hóa và thực hiện tốt nguyên tắc này. Tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Phó Thủ tướng đề nghị từng bước chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống, tạo sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu hiệu quả. Trên cơ sở nguồn lực và thời gian, cần ứng xử linh hoạt để sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên phù hợp; xem xét cắt giảm các dịch vụ không hiệu quả.
Quá trình triển khai nhiệm vụ, cần chủ động báo cáo với Tổ công tác về những bất cập, vướng mắc nảy sinh để kịp thời xử lý. Không ngừng nâng cao đạo đức, trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nêu một số nhiệm vụ cụ thể, như: Thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, người có công; phân công quản lý và vận hành…