Đỏ mắt tìm công nhân

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp lại chạy đôn chạy đáo tuyển người làm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Riêng năm nay, tình trạng thiếu lao động tại các nhà máy càng nghiêm trọng hơn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Những ngày sau Tết âm lịch, ngang qua các nhà máy tại nhiều khu công nghiệp trên cả nước dễ dàng bắt gặp các thông báo “tuyển người” dán ở khắp nơi. Thậm chí có nhiều nhà máy ghi hẳn nội dung tuyển người vào các vị trí nào, mức lương bao nhiêu… trên những tấm băng rôn treo ngay cổng vào. Còn các trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh thì hoạt động hết công suất, liên tục mở các phiên giao dịch môi giới việc làm cho các nhà máy cần tuyển dụng.

Điều đáng tiếc là, mặc dù mức lương đưa ra khá hấp dẫn với công nhân (từ 10 - 15 triệu/tháng) tùy vị trí và việc làm cụ thể, song giám đốc nhân sự của các nhà máy vẫn “đỏ mắt” kiếm tìm người làm. Như ở Đà Nẵng, Trung tâm giới thiệu việc làm kết hợp với Sở LĐ-TB&XH đến tận các phường trong nhiều quận để tuyển dụng công nhân, song số ứng viên vừa quá ít vừa không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Các doanh nghiệp cần trên 6.300 lao động nhưng cũng chỉ tuyển được 100 người là “khớp việc”! Hoặc như ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dường, bản thân giám đốc nhà máy cùng các nhân viên ở bộ phận hành chính ra đứng ngay đường quốc lộ để “đón người” từ các tỉnh miền Trung vào tìm việc.

Các đơn hàng đã ký với đối tác đang nằm trên bàn các giám đốc, nhà máy thì cũng đã sẵn sàng đón người, lãnh đạo doanh nghiệp thì đưa ra nhiều mức lương, thưởng hấp dẫn… ấy thế mà vẫn không tuyển được người. Vì sao?

Cũng cần nói rõ là không phải tất cả các nhà máy đều thiếu công nhân sau Tết. Thường thì tình trạng này rơi vào những doanh nghiệp sản xuất không ổn định. Mà đã không ổn định sản xuất thì chế độ lương, thưởng và các khoản bảo hiểm cho công nhân cũng rất phập phù.

Cộng với dịch Covid-19 hoành hành nên nhiều nơi, công nhân tháo chạy trong sự bất lực của các ông chủ nên giờ khó tìm người là vậy.

Còn những doanh nghiệp làm ăn bài bản, có ký hợp đồng lao động đàng hoàng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác dành cho người lao động luôn được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm thì việc bỏ việc chỗ này để tìm chỗ khác rất hiếm xảy ra. Đặc biệt, có những doanh nghiệp chia sẻ với người lao động ngay trong những tháng dịch dã bằng những đồng tiền hỗ trợ để công nhân có thể trụ lại và gắn bó với nhà máy.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn rất khó khăn do dịch, song lương, thưởng Tết vẫn có cho công nhân. Điều đó nói lên rằng, một khi giới chủ quan tâm bằng những hành động cụ thể với người làm thì không ai quay lưng lại với họ cả.

Những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế đã hiện rõ dần qua việc “khát” người làm tại các nhà máy. Đó là một tín hiệu tích cực, song nó cũng làm lộ sáng những bất cập lâu nay giữa việc sử dụng lao động của giới chủ với công nhân.

Người làm công thì hay “đứng núi này trông núi nọ”, còn giới chủ thì sử dụng người theo kiểu “mì ăn liền”. Đó là lý do lớn nhất để nhà tuyển dụng và người làm công không có tiếng nói chung. Vậy nên, doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người làm thì cũng không có gì lạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ