Đình công kéo dài, doanh nghiệp và người lao động đều chịu thiệt hại

GD&TĐ - Sau 6 ngày đình công, lãnh đạo và công nhân công ty Viet Glory vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Sự việc khiến đời sống của người lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory tham gia đối thoại trực tiếp với người lao động.
Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory tham gia đối thoại trực tiếp với người lao động.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Ngày 12/2, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) Lê Mạnh Hiên cho biết, hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH Viet Glory vẫn tiếp tục đình công, không đến nhà máy làm việc. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp người lao động của công ty này nghỉ việc để đòi quyền lợi.

Trước đó, vào trưa 7/2, toàn bộ công nhân của Công ty Glory đã không vào làm việc mà tập trung bên ngoài nhà máy để đòi quyền lợi như: tăng lương cơ bản, thêm chế độ thâm niên; phản đối quy định phải có mặt tại nhà máy trước 10 phút khi tới giờ làm việc.

Sau 6 ngày ngừng việc, công nhân vẫn chưa đi làm trở lại.
Sau 6 ngày ngừng việc, công nhân vẫn chưa đi làm trở lại.

Ngoài ra, nhiều công nhân đề nghị công ty thanh toán tiền hỗ trợ Covid-19 theo quy định; tăng số lượng công nhân được hưởng chế độ độc hại, nặng nhọc...

Ngay sau đó, UBND huyện Diễn Châu đã thành lập đoàn công tác, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đến kiểm tra các chế độ chính sách mà công nhân kiến nghị, đồng thời đối thoại với các bên để tìm tiếng nói chung.

Công nhân vẫn yêu cầu công ty phải tăng mới quay trở lại làm việc.
Công nhân vẫn yêu cầu công ty phải tăng mới quay trở lại làm việc.

Sau nhiều cuộc đối thoại, doanh nghiệp cơ bản đồng ý các kiến nghị của người lao động. Đến chiều tối qua 11/2, lãnh đạo công ty Viet Glory họp và quyết định bổ sung phụ cấp thâm niên cho người lao động, kể từ tháng 3/2022.

Quy định về phụ cấp thâm niên áp dụng đối với công nhân vào làm việc tại công ty từ một năm trở lên. Mức thưởng thâm niên hàng tháng là 30.000 đồng/một năm làm việc. Từ năm làm việc thứ 7 trở lên áp dụng mức 210.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, vì Công ty Viet Glory giữ quan điểm không tăng lương. Phía công ty khẳng định, mức lương cơ bản hiện chi trả cho người lao động là 3.670.000 đồng/tháng, cao hơn 600 nghìn đồng so với mức lương tối thiểu vùng IV theo quy định tại Nghị định 90/2019.

Mặt khác, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời điểm hiện tại công ty không thể tăng lương theo kiến nghị của người lao động.

Không đồng ý với quyết định trên, sáng nay toàn bộ công nhân đã không đến làm việc. Các công nhân cho rằng, mức lương mà công ty đưa ra còn thấp. Nhiều công nhân có con nhỏ đang độ tuổi đi học nên mức lương này chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. 

Đình công thiệt cả đôi bên

Ông Chang Shih Yueh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Viet Glory cho biết, trong những ngày qua, khi công nhân ngừng làm việc tập thể đã khiến công ty phải trả lại các đơn hàng mới nhận về. Một đơn hàng hiện phải chuyển sang công ty khác sản xuất.

“Công ty sẽ cố gắng làm sao để hai bên có tiếng nói chung, thống nhất nhất định. Khi sự việc đình công xảy ra thì phía công ty hay công nhân cũng đều thiệt hại.

Những yêu cầu của công nhân với công ty mà thời gian ngắn công ty chưa thể xử lý ngay được, hoặc chưa có phương án, kế hoạch trong tình hình dịch bệnh như bây giờ thì công ty rất mong công nhân hiểu, thông cảm và cùng đồng hành với công ty", ông Chang Shih Yueh nói.

Cơ quan ban, ngành làm việc với lãnh đạo công ty Viet Glory
Cơ quan ban, ngành làm việc với lãnh đạo công ty Viet Glory

Ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Việc công nhân nghỉ việc trong thời gian dài làm mất đi nguồn thu nhập của gia đình, làm nghiêm trọng thêm tình hình.

Bên cạnh đó, công ty cũng phải chịu nhiều thiệt hại khi các đơn hàng ký kết với đối tác không thực hiện đúng tiến độ. Làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của địa phương.

Được biết, tổng thu nhập trung bình của công nhân tại nhà máy Viet Glory (bao gồm lương, tăng ca và phụ cấp) mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty có thưởng tết lương tháng 13, Công đoàn có suất quà trị giá 300.000 đồng.

Theo ông Hiên, đây là mức lương chấp nhận được so với mặt bằng lương chung, có thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống gia đình đối với một huyện nông thôn như Diễn Châu.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch cũng cho rằng, việc công nhân có các kiến nghị tăng lương là quyền lợi chính đáng. UBND huyện và Liên đoàn Lao động cũng đã tuyên truyền, thuyết phục, vận động và đề nghị công ty giải quyết các kiến nghị để công nhân sớm quay trở lại làm việc.

“Lao động ngừng việc kéo theo những hệ lụy về công việc, thu nhập, ảnh hưởng đến việc chăm lo cho con cái, học hành. Trong ngày hôm nay, đoàn công tác tiếp tục làm việc để tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo quyền lợi của 2 bên, sớm ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hiên nói thêm.

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cho biết, kiến nghị tăng lương, bổ sung phụ cấp thâm niên của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, cần phải xét vào bối cảnh hiện nay của công ty và quy định của pháp luật để có thể đi đến thống nhất cách giải quyết, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên.

"Năm qua dịch bệnh Covid-19 hoành hành, giao thương đi lại, xuất nhập hàng hóa gặp nhiều khó khăn công nhân nên chia sẻ phần nào khó khăn đối với công ty. Về phía công ty nên nghiên cứu nguyện vọng của người lao động, rà soát tham khảo bảng lương các doanh nghiệp trên địa bàn để cân nhắc đảm bảo lợi ích hài hòa 2 bên", ông Cương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ