Doanh nghiệp Đà Nẵng “mời gọi” lao động làm việc sau Tết

GD&TĐ - Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường lao động tại nhiều địa phương đang dần phục hồi. Chính vì vậy, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đang tích cực mời gọi lao động quay lại làm

Công nhân tại Công ty CP Dệt may 29/3.
Công nhân tại Công ty CP Dệt may 29/3.

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường lao động tại nhiều địa phương đang dần phục hồi. Chính vì vậy, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đang tích cực mời gọi lao động quay lại làm việc để đáp ứng khối lượng đơn hàng vào quý I, II năm 2022.

Doanh nghiệp “mỏi mắt” ngóng lao động

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng vừa tổ chức Phiên giao dịch việc làm đầu tiên năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho lao động và đơn vị tuyển dụng thuận lợi kết nối. Tuy nhiên, dù nhu cầu việc làm nhiều nhưng vẫn còn ít người lao động tới tìm hiểu, phỏng vấn.

Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tiên, có 81 doanh nghiệp đã gửi thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí. Trong đó, có 19 doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp.

Ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho hay, nhu cầu tuyển dụng lên đến hơn 6.300 vị trí, tuy nhiên, lượt khớp việc chỉ hơn 100 vị trí. Chính vì thế, tìm được nguồn lao động đang là vấn đề nan giải trong khi người trẻ đến với các buổi tư vấn việc làm hầu như không có.

Qua tìm hiểu, người đến các phiên giao dịch việc làm đều thuộc tuổi trung niên, là đối tượng bị mất việc do dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hầu hết đều tìm nhân công trẻ, đủ sức khỏe để có thể tăng ca sản xuất. . .

Theo điều tra sơ bộ lao động việc làm năm 2021 tại Đà Nẵng, tỉ lệ thất nghiệp tại thành phố đạt 8,76%, thấp hơn tỉ lệ 9,41% của năm 2020 nhưng vẫn còn rất cao so với nhiều tỉnh thành cả nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cũng cho rằng, điều này thể hiện lượng lao động còn rất nhiều. Tuy nhiên, người trẻ không mặn mà với công việc tại các khu công nghiệp. Nên dẫn đến tình trạng các phiên giao dịch thiếu người người khớp việc, các doanh nghiệp sản xuất vẫn mỏi mòn tìm lao động trẻ.

Ngay sau Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH quận Thanh Khê và các doanh nghiệp đem nhu cầu việc làm xuống tận 10 phường của quận này để tư vấn, giới thiệu. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan.

Nguyên nhân chính là do một số những người trẻ tuổi chuyển sang các ngành nghề như bán hàng online, tài xế công nghệ, hoặc tự kiếm việc trên các nền tảng mạng xã hội...

“Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Trung tâm đã tăng cường kết nối, mời gọi lao động, mời gọi doanh nghiệp, phối hợp với các quận, huyện tổ chức tuyên truyền về giải quyết việc làm. Trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên để thu hút lao động”, ông Diệp chia sẻ.

Tại các đơn vị, để thu hút lao động, ngay từ mùng 7 tháng Giêng, trong ngày ra quân đầu năm lãnh đạo doanh nghiệp đã lì xì cho công nhân, tạo khí thế làm việc trong năm mới.

Nhận lộc đầu năm, chị Trần Thị Ngọc Anh, công nhân Công ty TNHH Daiwa (Khu công nghiệp Hoà Khánh, quận Liên Chiểu) rất phấn khởi. Theo chị Anh, mức lương tương xứng cùng với nhiều đãi ngộ cao chính là động lực để chị an tâm gắn bó 12 năm với công ty.

Ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty TNHH Daiwa cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty thưởng mỗi lao động từ 1 đến 1,5 tháng lương, hỗ trợ vé tàu, xe đưa lao động về quê. “Công ty cố gắng hạn chế tình trạng “nhảy việc” sau Tết. Đến nay, hơn 95% trong số 4.000 lao động đã quay lại làm việc. Đó là tín hiệu rất vui. Công ty có chính sách thưởng Tết, lì xì đầu năm để tạo động lực cho các lao động quay lại làm việc”, ông Phu cho hay. 

Đặt sức khỏe công nhân lên hàng đầu

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê) cho hay, trong ngày đầu năm mới, đại diện ban lãnh đạo công ty đã gửi lời chúc sức khỏe qua hệ thống loa phát thanh, nhằm tạo động lực làm việc cho hơn 2.000 lao động tại nhà máy. Đồng thời, đơn vị cũng mừng tuổi đầu năm cho toàn bộ người lao động, nhằm tăng thêm tinh thần trong năm mới.

“Trong năm mới, doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Cụ thể, tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) sẽ thành lập một nhà máy xanh, an toàn với môi trường, dự kiến tuyển dụng 800 công nhân. Còn tại Đà Nẵng, dự kiến tuyển dụng thêm khoảng 400 lao động”, ông Chính thông tin.

Cụ thể, công ty cam kết trả lương theo sản phẩm và năng lực, tối thiểu từ 6 triệu đồng/tháng. Ngoài được đài thọ ăn giữa ca, sau khi thử việc đạt yêu cầu, công nhân được ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và tham gia đầy đủ các loại hình Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Ngoài tiền lương sản phẩm, người lao động còn được thưởng chuyên cần 800.000 đồng/tháng, thưởng nhân các ngày lễ, thưởng tháng lương thứ 13 và thưởng thi đua (theo xếp loại A,B,C hàng tháng) vào cuối năm.

Để đảm bảo an toàn cho các công nhân trong quá trình làm việc, nhiều đơn vị đã tổ chức xét nghiệm Covid-19. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng), trong ngày làm việc đầu năm mới, công ty đã xét nghiệm cho gần 4.000 lao động tại đơn vị.

Xem an toàn cho người lao động là trên hết, toàn bộ người lao động Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng được xét nghiệm Covid-19 trước khi vào ca làm việc.

Đại diện Công ty Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho rằng, những trường hợp có kết quả không đảm bảo sẽ được tách riêng và cho về nhà điều trị, còn những người lao động có kết quả âm tính sẽ được vào nhà máy để làm việc.

Còn ông Võ Văn Phước - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam cho biết thêm, việc test nhanh, phun khử khuẩn được thực hiện rất bài bản, khẩn trương. “100% công nhân được xét nghiệm Covid-19. Sức khỏe của công nhân luôn đặt lên hàng đầu. Đảm bảo được điều đó, công ty mới hoàn thành được yêu cầu chất lượng của đơn hàng, không đứt gãy chuỗi hoạt động sản xuất”, ông Phước nhấn mạnh.

Báo cáo của BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đến hiện tại thành phố có hơn 96% số công nhân quay lại làm việc, xấp xỉ 67.000 công nhân lao động. Ông Trần Văn Tỵ - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghệ Đà Nẵng cho biết, lượng lao động trở lại làm việc cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. BQL hiện chưa nhận phản ánh của các doanh nghiệp về việc thiếu lao động sau Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ