Tay phải co quắp cầm mái chèo khua nước, tay trái cầm vợt cá tôm. Vất vả là thế nhưng từ đêm đến sáng chị kiếm được khoảng 50 nghìn. Những hôm con nước nghịch, có khi số cá bán ra còn chưa đến 10 nghìn.
Ngư dân không bàn chân
Căn nhà tình thương của chị Thuận nằm trong một sóm nhỏ ngoằn ngoèo nằm sát bên đầm Chuồn, xã Phú An huyện Phú Vang. Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm chị Thuận vừa đi làm về, dáng chị liêu xiêu trên đôi dép mòn tư tạo. Dù phải lết đi bằng đôi chân dị tật, nhưng chị vẫn đon đả pha trà mời khách rồi kể lại câu chuyện buồn tủi của cuộc đời.
Cầm "đôi dép" tự chế trên tay chị Thuận giải thích " Mình có chân mô mà mang dép nhưng vì lết giữa đường nhiều khi đá, miếng chai cứ đâm vào da chảy máu mãi. Đau lắm nên phải tự mày mò cắt mấy miếng cao su, có khi là chiếc dép cũ rồi thêm thắt vào sợi dây, khi nào đi ra ngoài thì buộc vào "chân". Nhờ thế mà những bước chân của chị cứ ngày này sang tháng nọ "thong dong" trên đầm Chuồn
Chị Thuận là con đầu trong gia đình có 7 chị em. Lúc mới chào đời nhìn thấy đứa con đỏ hỏn, chân tay co quắp, dị dạng người mẹ đau đớn đến ngất xỉu. Ngày vui chào đón " thiên thần" đầu tiên của cả nhà bỗng chốc u ám, đầy nước mắt.
"Sau này nghe mẹ kể lại, lúc mình sinh ra thân hình nhỏ tí, lại bị dị tật khi chân phải bị cụt gần ngang gối, chân trái queo quắt không có bàn chân. Riêng 2 bàn tay chỉ có duy nhất 1 ngón tay lành lặn như người thường nên làng trên xóm dưới đều bàn tán xôn xao. May thay sau đó, 6 người em của mình sinh ra đều được lành lặn...”, nét mặt đượm buồn, chị Thuận kể.
Thời điểm ấy, cả gia đình chị Thuận sống trên chiếc đò nhỏ và lấy nghề đánh bắt tôm cá trên đầm Chuồn mưu sinh. Năm 1985, một cơn bão đi qua đánh úp nhiều ghe thuyền trên khu vực đầm Chuồn. Đến năm 1986, nhiều hộ dân vạn đò, trong đó có gia đình chị Thuận được UBND xã Phú An đưa lên vùng định cư mới. Niềm vui khi được lên bờ, chấm dứt những ngày tháng cơ cực của 9 con người trên một mái đò chưa trọn vẹn thì bố chị Thuận đột ngột qua đời bởi căn bệnh ung thư.
Bố mất, một mình bà Nguyễn Thị Chót mẹ chị Thuận chèo ghe đánh bắt tôm, cá trên khu đầm để nuôi 7 chị em Thuận khôn lớn. Do gia đình quá khó khăn nên chỉ có 2 người em của chị Thuận được đến trường học chữ. Những người còn lại vì cuộc sống mưu sinh nên lăn lộn nay đây mai đó rồi lập gia đình. Kể từ khi đứa em út ra ở riêng, trong ngôi nhà nghèo này chỉ còn chị Thuận với người mẹ già sớm tối bên nhau.
Mong đừng ốm đau để lặn cá nuôi mẹ
Hàng ngày, khi bà Chót ra phá đặt lừ thả lưới thì chị Thuận lại ngồi cặm cụi may vá lưới thuê để kiếm thêm ít đồng bạc phụ mẹ mua gạo. “Đối với người bình thường, việc may vá trở nên đơn giản nhưng với tui, khi 2 bàn tay queo quắt, không có ngón tay để cầm kim thì việc may vá tưởng chừng không thể. Thế rồi tui nghĩ ra cách ngậm kim may vào miệng để may... Sau một thời gian tập tành, nhiều lúc 2 bờ môi bị kim đâm rỉ máu nhưng tui vẫn cố gắng không bỏ cuộc. Nhờ sự khổ luyện mà sau đó tui đã có thể may vá lưới, áo quần... bằng miệng đấy!”, chị Thuận còn cho biết thêm.
Nhiều năm trở lại đây, khi bà Chót tuổi cao, chị Thuận còn “phụ trách” thêm việc ra đầm buông lưới mưu sinh thay mẹ. Công việc đánh bắt thủy sản của chị thường bắt đầu từ tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau.
Những ngày đầu, do phải lê lết trên quãng đường từ nhà ra chiếc ghe đậu bên đầm Chuồn nên 2 cùi chân chị bê bết máu. Dần dần sau này, cứ mỗi chuyến đi buông lưới như thế, chị đành cột chặt đôi dép ở 2 cùi chân để hạn chế trầy xước. “Mình bị khuyết tật cả tay lẫn chân nên việc đánh bắt tôm cá vất vả lắm. Có hôm, vì quá mệt nên ngủ quên trên ghe, không may ghe bị thủng, nước tràn vào làm ghe chìm nên cả người và đồ nghề đều chìm xuống nước, may thay lúc đấy có cặp vợ chồng bơi ghe quang qua cứu vớt lên bờ không giờ xanh cỏ rồi...”, vừa tâm sự, chị Thuận vừa kiểm tra những dụng cụ làm nghề để chuẩn bị cho chuyến buông lưới tiếp theo.
Đặc biệt mấy năm nay trở lại đây, tình trạng rác thải trên đầm Chuồn xuất hiện quá nhiều cộng với nạn "ngư tặc" lộng hành, chị Thuận cùng với bà con xóm Thủy Diện là những người tích cực trong việc tuyên tuyền, vận động bà con đánh bắt hải sản không xả rác thải bừa bãi xuống đầm Chuồn cũng như tuyên chiến với "vấn nạn ngư tặc".
Chị Thuận cao hứng kể: Có lần giữa đêm khuya, thấy kẻ gian vào phá nò sáo trộm cá của bà con ngay chỗ gần tui lặn trìa. Lập tực tui chèo ghe tới dùng bánh lái quất ngang chiếc ghe của kẻ trộm chìm xuống đầm, rồi nhanh chóng đi kêu bà con đến đến bao vây bắt kẻ trộm. Nhiều lần phát hiện rồi báo giúp bà con, nhưng khi P.V hỏi chị không sợ trả thù?
Chị Thuận cười hiền: "Hơn 35 năm bám đầm Chuồn cùng cả nhà mưu sinh, không nhớ rõ đã bao lần mình đối đầu với "ngư tặc". Tui sợ trả thù thì đã không tham gia đội chống " ngư tặc" của thôn. Nhiều lúc cả người, ghe rồi cá đánh bắt của mình giữa đêm khuya bị kẻ xấu dìm xuống giữa đầm, rồi đâm thuyền lủng nhưng tui vẫn không chấp nhận kiểu "sống ác". Ai dè tôm cá người ta bỏ ra cả trăm triệu lẫn công sức để nuôi mà bọn ác ôn cứ ngang nhiên đến trộm".
Ở vào tuổi chị, bạn bè giờ đã có người thành ông nội, bà ngoại nhưng riêng chị vẫn đơn độc lẻ loi. Chị biết phận mình tật nguyền nên ngày trẻ, ai tới lui chị cũng khước từ. Thương chị người thân bảo nếu không chịu lấy chồng thôi nhắm mắt làm liều " kiếm" đứa con mà nuôi để sau này còn có chỗ cậy nhờ, nhưng chị nói: "Đời mình còn chưa trọn vẹn sinh con để làm gì".
Hiện đã bước qua tuổi 52 tuổi, nhưng nhìn chị Thuận vẫn rất nhanh nhẹn. Hàng đêm, cũng như bao ngư dân khác trên đầm Chuồn chị Thuận vẫn bươn chải đi làm cá trên phá trừ những khi mưa gió. “Người ta khỏe thì làm mỗi đêm có khi vài trăm ngàn. Còn mình chỉ mong mỗi đêm được vài chục ngàn là được. Chỉ mong cho có sức khỏe đi làm để còn nuôi mẹ tuổi già. Còn em út cũng chẳng dư giả. Chúng nó cũng làm nghề tôm cá trên phá, lo con cái của nó cũng chật vật lắm rồi”.
Dù cuộc sống còn cơ cực, bữa đói bữa no nhưng đôi mắt chị luôn lấp lánh nụ cười. Chị bảo con người không thể chọn nơi mình được sinh ra, không thể thay đổi được số phận của mình. Nếu ông trời đã bắt chị phải sống trông thân phận tật nguyền thì chị sẽ cố gắng sống tốt nhất có thể. "Con người sống ở đời đôi lúc cũng phải biết nhìn xuống để mà sống, để thấy mình còn may mắn hơn những người xung quanh. Mình tàn tật nhưng trời cho có sức khỏe để lao động để phụng dưỡng mẹ già. Đó là hạnh phúc của cuộc đời mình", chị Thuận tâm sự.