Không thể nuôi cấy mô?
Hội thảo Phát triển hoa cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tổ chức vào sáng 23/4. Hội thảo đã trở thành diễn đàn tranh luận về lan đột biến với nhiều ý kiến trái chiều trong giới khoa học.
GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, đột biến có trong mọi loại sinh vật, vật nuôi, cây trồng. Lan đột biến được chơi trong khoảng chục năm trở lại đây. Phát hiện lan đột biến đầu tiên từ năm 1972 là lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Lan đột biến không có tội. Chỉ những người mang danh lan đột biến đi lừa đảo mới đáng lên án.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, một số ý kiến gần đây nói có thể nuôi cấy mô lan đột biến để cho ra đời những cây lan đột biến rất rẻ, chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng là không có cơ sở.
Công nghệ nhân nuôi cấy mô có thể tạo ra hàng loạt cây con mà không đòi hỏi tiêu chí khắt khe như lan đột biến. Khi nào dùng nuôi cấy mô, nếu để sản xuất hoa lan công nghiệp như hồ điệp, hoàng thảo cắt cành, thạch hộc tía… không cần đòi hỏi khuôn bông mặt hoa chi tiết thì nuôi cấy mô rất tuyệt vời.
Nhưng nếu để chơi đúng theo tiêu chí như lan đột biến thì chỉ có phương pháp nhân bằng kie là đảm bảo tối ưu chuẩn mực nhất. Vì nó có đầy đủ các yếu tố di truyền và sức sống cây, giữ nguyên các đặc điểm của cây mẹ. Chỉ trừ những người tham lam, khi nhân kie lại kích quá nhiều gốc, để kie quá dài… khiến các chất điều hòa sinh trưởng ảnh hưởng đến hoa.
“Chính tôi có kinh nghiệm 4 năm, khi tôi bắt đầu lai hai dòng lan khác nhau, nhân giống bằng nuôi cấy mô thì kết quả là sai cây và sai hoa. Cho nên tôi khẳng định được, đừng tưởng nuôi cấy mô nhân giống được hoa lan đột biến. Nuôi cấy mô chỉ phù hợp với cây trồng rừng, cây hoa công nghiệp, không đòi hỏi các tiêu chí khắt khe như lan đột biến. Nhưng chơi lan đột biến cũng cần phải hiểu sâu về nuôi cấy mô để hiểu về các mức phản ứng của sinh vật. Từ Bắc vào Nam, mỗi vùng màu hoa của lan đột biến lại thay đổi. Vì thế chơi hoa lan đột biến chuẩn nhất phải cho cây ra hoa tối thiểu 3 năm liên tục xem mức độ ổn định thế nào, mới tiến hành nhân nuôi”, GS.TS Trần Duy Quý cho biết.
“Có thể tạo ra rất nhiều loại hoa đột biến. Nhưng để tạo ra hoa lan đột biến họng sạch, cánh trắng, mũi tuyết, tai ngang… như giới chơi lan hiện nay thì xin lỗi, không thể tạo ra được bằng nuôi cấy mô. Chỉ có đột biến bạch tạng, đột biến lùn của cây, các dấu hiệu nhỏ nhặt ở từng bông đột biến thì có… Nhưng để có đột biến hoàn mỹ thì phải là đột biến tự nhiên, trải qua sự chọn lọc tự nhiên nghìn năm mới có. Đắt và quý ở chỗ đó”, GS.TS Trần Duy Quý cho biết.
Ý kiến trái ngược
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, người có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về hoa lan, bảo lưu quan điểm có thể tạo ra hàng loạt lan đột biến bằng nuôi cấy mô, với giá thành rẻ. Công nghệ nuôi cấy mô hiện đại không tạo ra biến dị, tốt hơn nhiều hoa giâm cành. Khi xử lý trong phòng thí nghiệm, không sử dụng hóa chất độc hại, dùng chất điều tiết sinh trưởng ở giới hạn an toàn… không ảnh hưởng gì đến hoa lan.
Với phương pháp nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh được rằng nó không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu. Do đó, nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến, thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ.
Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, lan đột biến hiểu đơn giản là trong quần thể một loài lan nào đó, một số cây có màu sắc hoa hoặc lá khác thường so với quần thể đó thì là đột biến. Song nó có thể đột biến do môi trường, đột biến do sai khác về gen trong di truyền. Hiện nay, chúng ta có thể xử lý lan đột biến bằng cách dùng hóa chất hoặc chiếu xạ gây đột biến. Thậm chí, có thể dùng phương pháp chuyển gen để tạo một loại cây trồng mới hoặc loại lan mới có màu sắc khác. Trong khoa học chúng ta đều làm chủ được những điều này.
Đồng quan điểm, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn. Một giống lan hai màu, lai với nhau ra con lai cũng có thể coi là một dạng đột biến. Trong tự nhiên đôi khi xuất hiện những cây lan có màu khác đi so với những cá thể khác thì là đột biến. Điều này có thể hình thành do quá trình tự lai. Lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp để có doanh số lớn như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan.
“Chúng ta hoàn toàn có thể nhân cấy các giống lan bằng công nghệ invitro. Các nước có nền công nghiệp hoa lan phát triển như Thái Lan, Trung Quốc đều áp dụng công nghệ này. Các phòng nuôi cấy mô của Việt Nam nếu có đơn đặt hàng họ cũng hoàn toàn có thể làm được”, ông Hàm khẳng định.
Theo PGS.TS Dương Hoa Xô, lan đột biến phi điệp cũng có thể nhân giống nuôi cấy mô hàng loạt. Theo đó, 1 kie lan đột biến nếu dùng phương pháp này nhân giống sẽ cho ra hàng nghìn, thậm chí là cả 100 nghìn cây lan giống chỉ trong một thời gian ngắn. Về nguyên tắc nhân giống vô tính, sản phẩm tạo ra sẽ hoàn toàn giống cây mẹ ban đầu. Tuy nhiên, việc nhân giống kiểu này chỉ áp dụng cho sản xuất đại trà, phục vụ nhu cầu mua cây giống về trồng của bà con nông dân, các nhà vườn trồng hoa.