Hành trình đi tìm “Dáng hình âm thanh”

GD&TĐ - Từ cậu bé mắc hội chứng rối loạn ngôn ngữ, Đỗ Trường Huy, học sinh lớp 12D, Trường Trung học phổ thông Chí Linh (Hải Dương) trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) tranh biện với gần 40 thành viên.

Đỗ Trường Huy (đứng thứ tư từ phải sang) cùng gia đình và thầy, cô giáo khi tham gia Chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC
Đỗ Trường Huy (đứng thứ tư từ phải sang) cùng gia đình và thầy, cô giáo khi tham gia Chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC

Đỗ Trường Huy cũng từng là nhà “leo núi” của Chương trình Olympia và giành học bổng 100% ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH VinUni (Hà Nội).

Những ngày tháng “ác mộng”

Nhớ lại tuổi thơ dữ dội của mình, Huy kể: Lên 4 tuổi, khả năng ngôn ngữ của em rất hạn chế, nói được rất ít từ, nếu có là những từ đơn. Hơn nữa, bị ngọng, nói lắp, nên rất khó để diễn đạt ý của mình. 

“5 năm học tiểu học là quãng thời gian khó khăn nhất với em. Nhất là khi học lớp 1, 2. Hầu hết, các bài tập đọc của em đều không hoàn thành. Đặc biệt, khi phát âm hoặc khi nghe chính tả, em không phân biệt được âm “n” và “l”. Nhiều vần em cũng thể phân biệt được như: Ăn và anh; ang hay anh...” – Huy tâm sự.

Vật lộn với môn tiếng Việt vì nói lắp, nói ngọng, Huy gặp nhiều khó khăn với những bài nghe – đọc – hiểu. “Thời điểm đó, mỗi lần em phát âm, đọc bài đều bị các bạn cười; thậm chí chế giễu, bắt chước hoặc trêu chọc, khiến em càng tự ti và ngại giao tiếp. Suốt thời gian học tiểu học, em là HS trung bình vì môn tiếng Việt điểm luôn thấp” – Huy nhớ lại những ngày tháng “ác mộng” đó. 

Lên lớp 4, 5, Huy ý thức được cần phải thay đổi về khả năng ngôn ngữ của mình. Bố mẹ là người đồng hành, luyện cho em cách phát âm và cách nói. Ngoài những bài tập đọc trong sách giáo khoa, Huy còn luyện đọc thêm một số bài khác mà bố, mẹ sưu tầm. Từ đó, khả năng ngôn ngữ của Huy dần được cải thiện, rõ nhất là tốc độ nghe.

Lên THCS, Huy được vào trường điểm của thành phố, dù đã ít nói lắp hơn nhưng em vẫn chưa khắc phục được tật nói ngọng. Trong môi trường học tập mới, Huy càng quyết tâm khắc phục điểm yếu của mình, không để bạn bè trêu chọc. Em tự rèn luyện bằng cách đọc nhiều sách và thường đọc to thành tiếng. Ngoài ra, em còn nhờ bố mẹ mua truyện tranh để rèn luyện đọc và cách phát âm. Em tự mày mò trên mạng, tìm những bài tập luyện nói để học theo. Suốt 4 năm học THCS, mỗi ngày, em đều dành thời gian nhất định để luyện nói.

Đỗ Trường Huy giành học bổng 100% của Trường ĐH VinUni (Hà Nội). Ảnh: NVCC
Đỗ Trường Huy giành học bổng 100% của Trường ĐH VinUni (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Hành trình luyện nói

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau thời gian “khổ luyện”, Huy cơ bản khắc phục được nhược điểm về ngôn ngữ của mình và tự tin bước vào THPT. Em không còn ngại giao tiếp và chủ động kết nối bạn bè. Vì gặp vấn đề ngôn ngữ, em thường quan tâm đến các hoạt động giao tiếp, tranh biện. Em ngưỡng mộ những ai có thể đứng trước đám đông để thuyết trình, hùng biện, hay tranh biện và luôn thầm ước có một ngày mình làm được điều đó. 

Khi thấy có Chương trình Trường Teen, Huy và một số bạn bè tham gia vòng tuyển chọn nhưng không lọt vào vòng ghi hình. Tuy nhiên, tại đây em có cơ hội gặp gỡ và làm quen với các bạn trong CLB tranh biện của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Sau cuộc gặp đó, em luôn trăn trở, suy nghĩ: Tại sao mình không lập ra một CLB tranh biện tại trường? Huy trình bày ý tưởng của mình và được ban giám hiệu chấp thuận thành lập CLB tranh biện. 

“Giai đoạn đầu, nhiều bạn trong trường chưa biết đến hoạt động tranh biện, vì thế trong những giờ sinh hoạt, em cùng với một số bạn đến từng lớp để giới thiệu về lợi ích của hoạt động này. Em đã thành lập fanpage để thu hút sự quan tâm và tuyển thành viên” – Huy chia sẻ và cho biết: Hiện, CLB tranh biện của trường có gần 40 thành viên và là CLB duy nhất của TP Chí Linh về hoạt động này.

Giờ đây, Huy có thể dõng dạc phát biểu, diễn thuyết trước thầy cô giáo và các bạn toàn trường. Em cũng thường tổ chức các buổi tranh biện nhóm theo mô hình giống Trường Teen để các thành viên trong CLB luyện tập. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, CLB vẫn duy trì sinh hoạt trực tuyến. 

Không chỉ tích cực, năng nổ, Huy còn duy trì thành tích học tập “khủng”. Điểm trung bình 9,2; riêng môn Toán 9,9. Em cũng từng là nhà “leo núi” của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia. “Dù kết quả không được như mong đợi, nhưng em có nhiều trải nghiệm đáng nhớ từ sân chơi này” – Huy nói, đồng thời cho hay: Em vừa giành học bổng 100% ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH VinUni (Hà Nội). Đây là ngôi trường em mơ ước được học tập từ lâu. Huy chia sẻ, để giành được học bổng, một trong những điều kiện bắt buộc là phải viết một bài luận về thành tích của mình để gửi cho nhà trường. 

“Em đã đặt tên cho bài viết của mình là “Dáng hình âm thanh” theo nhan đề một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản. Trong bài luận, em kể lại hành trình “đi tìm giọng nói” của mình. Với em, thành công không chỉ là những danh hiệu, giải thưởng, hay kết quả học tập với điểm số cao, mà chính là vượt lên chính mình, để đạt được ước mơ. Ví như em đã đạt được ước mơ tìm “giọng nói của mình”, dù vẫn chưa được mượt mà hay hấp dẫn, em đã có thể đứng một mình trên sân khấu để nói trước nhiều người” – Huy bộc bạch.

Thầy Nguyễn Đình Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh nhận xét: Huy là lớp trưởng gương mẫu. Em học tốt các môn. Đặc biệt, Huy có niềm đam mê với  môn Ngữ văn và Tiếng Anh. Ở 2 môn học này, em đã đạt được những thành tích cao trong kỳ thi cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong hoạt động phong trào, Huy tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và thành phố. Năm học 2019 - 2020, em được vinh danh là HS “ba tốt”. Em cũng tham dự Chương trình Đường lên đỉnh Olympia và đạt giải Ba tuần năm 2020. Ngoài ra, em còn có tài lẻ là vẽ đẹp, với nhiều ý tưởng hay.

Không gì là không thể. Tuổi trẻ phải có ước mơ, hoài bão và dám thử sức với bản thân để biết giới hạn của mình đến đâu. Chỉ cần chúng ta nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm đến cùng thì sẽ có được “trái ngọt”- Đỗ Trường Huy tâm niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.