(GD&TĐ) - Cách thành phố Huế khoảng hơn 10km về phía đông bắc, đầm Chuồn (thuộc địa bàn xã Phú An, huyện Phú Vang) tỉnh Thừa Thiên Huế là một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang. Đây là khu du lịch sinh thái nổi tiếng với vẻ đẹp sông nước bao la cùng đặc sản dân dã hấp dẫn, hằng năm thu hút rất nhiều du khách tới đây. Thế nhưng, hiện nay đầm Chuồn đang bị ô nhiễm khá nặng nề.
Ô nhiễm làm nghề nuôi trồng thủy sản bị kiệt quệ |
Đầm Chuồn thành đầm rác
Có dịp về đầm Chuồn vào một ngày trung tuần tháng 6 chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đống rác nằm ngổn ngang ngay trên khu vực bờ đê dẫn ra đầm Chuồn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như toàn bộ rác ở đây đều được đổ thẳng ra đầm. Cứ sáng sớm hoặc chiều tối, người dân thi nhau đem rác ra đây vứt bỏ mặc cho ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.
Thôn Định Cư (xã Phú An, huyện Phú Vang) là khu vực chính của đầm Chuồn, nếu nói đây là bãi rác của thôn Định Cư cũng không sai chút nào. Rác thải chất đống, bốc mùi, trải dài cả hàng trăm mét, từ trên đê, dưới nước, lấn sâu vào phá. Nhiều hộ dân cho biết, vào thời điểm nước rút, khu vực này chẳng khác gì một “đầm” rác.
Theo lời một số bà con sinh sống lâu năm ở khu vực này cho biết: Trước đây đã từng có một bãi tập kết, chứa rác sinh hoạt của hơn 250 hộ dân sống ven đầm Chuồn. Tuy nhiên, qua thời gian, bãi rác bị xuống cấp, rác thải tồn đọng bấy lâu dần dần lan ra cả một khu đầm. Chính vì không có bãi rác, cũng không có người thu gom nên hầu như toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân đều được đổ thẳng ra đầm, mặc cho ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ.
Ông Nguyễn Lại, một người dân tại thôn Đông Miện, xã Phú An cho biết: “Ở đây không có nơi đổ rác, cũng không có người đi thu gom, vì thế rác của hàng trăm hộ dân đều đổ thẳng ra đầm Chuồn này”. Còn anh Trần Đình Viên, cũng trú ở thôn Đông Miện, than thở: “Nhà tui ở gần đây nên chịu hết nổi. Rác chất đống, mỗi khi có gió từ phá thổi vào là không chịu được. Ngày trước khách du lịch hay chọn nơi đây làm điểm dừng chân rồi thuê thuyền đi dạo ngắm cảnh khắp đầm, nhờ đó mình cũng kiếm được chút tiền từ việc lái thuyền cho họ. Giờ khách đã ít đi...”.
Tình trạng trên gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên của đầm Chuồn, theo đó môi trường nuôi trồng thuỷ sản cũng xuống cấp ngày một nhanh hơn. Không ai khác, những người dân nơi đây đang phải gánh chịu hậu quả do chính họ gây ra. Toàn xã có hơn 214 ha nuôi tôm, nhưng tôm thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất, sản lượng đạt thấp, nhiều diện tích mặt nước phải bỏ, không thể nuôi trồng được do quá ô nhiễm.
Đầm Sam- đầm Chuồn đang bị ô nhiễm trầm trọng do rác thải |
Quản lý còn lỏng lẻo
Rác thải là một vấn nạn đã làm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan của đầm Chuồn, nhiều du khách tỏ ra không hài lòng, làm cản trở đến tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nơi đây. Anh Trần Hùng, Giám đốc công ty TNHH du lịch Phú Hùng cho biết: Trước đây mỗi ngày chúng tôi thường tổ chức mỗi ngày 2 tour đi xe đạp đưa du khách về tham quan đầm Chuồn.
Đặc biệt là du khách Pháp và Hà Lan họ rất thích được ngồi trên nhà chòi thưởng thức hải sản cá kình ở đầm Chuồn. Duy chỉ có một điều khiến họ than phiền, đó chính là trình trạng rác thải vất bừa bãi trên đầm đã để lại ấn tượng không tốt đối với du khách khi đến tham quan tuyến du lịch sinh thái này. Không riêng gì khu vực đầm Chuồn mà ở 3 thôn còn lại, đó là Triều Thủy, An Truyền và Đồng Miệu cũng chung tình trạng ô nhiễm rác tương tự, đặc biệt là khu vực chợ và xung quanh chợ làng Chuồn.
Rác thải vẫn không được đổ cố định ở bãi tập kết, thêm vào đó là thời gian vận chuyển đi tiêu hủy quá lâu nên tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn. Toàn xã hiện có hai bãi tập kết rác, nhưng do vị trí nằm quá xa, thêm vào đó là không có người thu gom nên người dân cứ thế đổ rác bừa bãi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Đề, Phó chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: “Đảng uỷ có chủ trương xây bãi rác để giải quyết vấn đề môi trường, không để tình trạng ô nhiễm này tiếp tục xảy ra. Từ tháng 3/2013, chính quyền xã cũng đã triển khai đề án thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương và đã tiến hành thí điểm mô hình tại địa bàn thôn Triều Thủy.
Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mấy đồng tình với khoản lệ phí thu gom rác hàng tháng, trong khi nguồn kinh phí của xã là hạn chế và việc đầu tư cho đề án này là quá lớn. Riêng vấn đề ô nhiễm rác thải ở đầm Chuồn thì hiện tại phía chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch thành lập đội thu gom bằng thuyền và sẽ triển khai trong tháng 6 này”.
Cũng theo lời ông Đề, phó chủ tịch xã Phú An, UBND huyện Phú Vang cũng đã có kế hoạch đầu tư 40 triệu đồng làm kinh phí đầu tư thu gom rác. Tuy nhiên, đến nay phía xã vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí, trong khi tính đến thời điểm hiện tại, xã đã trích ngân sách hơn 70 triệu đồng để thực hiện đề án vệ sinh môi trường tại địa phương.
Ngoài đầm Chuồn, hệ thống đầm Sam, đầm Cầu Hai, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra trầm trọng với hàng trăm hecta diện tích mặt nước bị “đầu độc”, nghề nuôi trồng thủy sản cũng bị kiệt quệ. Tại con đường ven phá từ thị trấn Phú Lộc về xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc.
Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, người dân ở đây phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân chính là do các loại rong, tảo phát triển mạnh, cộng với lượng chất thải từ các hồ nuôi trồng thủy sản, rác thải sinh hoạt dạt vào bờ, phân hủy bốc mùi khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thay vì tìm cách chia sẻ, giải quyết tình trạng ô nhiễm, ở khu vực này lại xuất hiện hàng trăm bộ sáo mùng để đánh bắt tép.
Trong khi đó, theo quy định của chính quyền địa phương: sau khi giải tỏa, sắp xếp lại nò sáo trên đầm, đã nghiêm cấm việc làm nò sáo mới và giải tỏa nò sáo cũ giãn cách bờ từ 200m trở ra. Tuy nhiên, hàng trăm bộ nò sáo chỉ dựng cách bờ chưa đến vài chục mét, làm cản trở luồng lạch giao thông đường thủy và gia tăng tình trạng ô nhiễm này do nguồn nước không thể lưu thông.
Minh Ngọc