"Nhặt chữ" trên phá Tam Giang

"Nhặt chữ" trên phá Tam Giang

(GD&TĐ) - Trong lúc nhiều học sinh ở thành phố ngày hè là cơ hội  nghỉ ngơi, du lịch thì con em các làng chài ven phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên - Huế phải lênh đênh trên sóng nước, cùng gia đình bắt con cá, con tôm để mưu sinh. Các em cháy bỏng mong ước trầm mình kiếm cơm có thêm tiền mua sách vở cho năm học mới.

Nhọc nhằn con chữ nơi đầm phá

Trẻ trên phá Tam Giang
Trẻ trên phá Tam Giang

Phá Tam Giang rộng lớn cũng không thể bao bọc, chở che hết cho những con người sống nơi đây. Cuộc sống gắn liền với phá, làm việc trên phá suốt 8 tiếng mỗi ngày chỉ với một nghề chủ yếu là chài lưới cũng không nuôi đủ cuộc sống cho hàng nghìn gia đình quanh năm lênh đênh sông nước. Vậy mà khi nhắc đến “cái chữ” thì nhiều bậc phụ huynh làm nghề chài lưới trên phá Tam Giang hồ hởi “nhất quyết phải làm,” mong  muốn con cái mình phải có chữ hơn cha, ông họ. 

Giữa vẻ đẹp sơn thủy hữu tình nơi đầm phá nhưng khi nghĩ đến tương lai các cháu nhỏ mới học đến lớp 4 lớp 5 phải  rời xa mái trường theo “nghiệp cá tôm” phụ giúp gia đình mưu sinh khiến người làm trưởng thôn lâu năm như ông Nguyễn Khôi ở làng chài thôn Mai Dương, xã Quảng Phước phải chạnh lòng: “Chú chưa thể tưởng tượng được mô, trước đây hễ có việc chi lên xã đóng dấu bà con ai cũng nài nỉ nhau không dám đi vì “sợ chọc quê”, không biết chữ, phải đưa tay ra để cán bộ lăn dấu. Chừ thì bọn trẻ con điều kiện hành ngon hơn chúng tôi nhiều.

Nhưng khổ nỗi do bà con ở đây nghèo, sống nghề chài lưới nay đây, mai đó nên nhiều gia đình chỉ cho con em học lớp 5 xong đã nghỉ rồi. Còn một số gia đình khác muốn có thêm tiền để mua sách vở cho con em vào năm học mới không còn cách nào là phải để các em phụ giúp bố mẹ cùng mưu sinh trên đầm phá”. 

Tưởng ông Trưởng thôn lúc nào gặp tôi cũng “rên nghèo, kể khổ”, ai ngờ khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ ở thôn  này ngày hè lam lũ trong những chiếc thuyền nhỏ mưu sinh giữa sóng nước trập trùng tôi mới “ớn người”, bởi lẽ so với học sinh thầy phố có điều kiện học tập thì các cháu nhỏ khắp các làng chài ven phá Tam Giang thiệt thòi gấp trăm bề. Sắp đến ngày tựu trường nhưng khi hỏi đến chuyện học cháu nào cũng nói: “Đợi xong đợt đánh bắt cá này, ba mạ mới đưa vô bờ để sắm áo quần và mua sách vở”. Dù sao đó cũng là những câu trả lời còn mang một chút gì đó hạnh phúc, giản dị, chân chất của những học sinh còn có cha còn mẹ ở bên cạnh. 

Những người phụ nữ lặn trìa kiếm tiền nuôi con, cháu ăn học
Những người phụ nữ lặn trìa kiếm tiền nuôi con, cháu ăn học

Riêng đối với những thân phận học sinh mồ côi trên phá Tam Giang mà tôi có dịp được gặp như Ngọc Châu, Tuấn Anh ở làng Ngư Mỹ Thạnh xã Quảng Lợi, hay Diệu Hương, Văn Roăn ở xóm thủy diện xã Điền Hải, rồi Trần Bé, Nguyễn Văn Lợi ở xóm vạn đò Làng Chuồn xã Phú An, ngày hè các cháu đã được làm quen với chài, với lưới, đã được ngồi thuyền lênh đênh trên phá. Công việc tưởng như chỉ dành cho người lớn thì trẻ em ở đây phải làm quen từ rất sớm, nhất là khi cha hoặc mẹ các em đã qua đời.

Mẹ em Trần Bé – người phụ nữ làng chài xóm thủy điện khu vực đầm Chuồn, xã Phú An quanh năm đối mặt với nắng, với gió cũng trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn. Có mạnh mẽ, có kiên cường thì chị mới nuôi được 4 đứa con ăn học. Một người mẹ mù chữ cả đời nhưng khi bàn đến việc học của con chị cũng khẳng định một câu rất răm rắp: “Có đi ăn xin, tui cũng tìm mọi cách để con mình biết chữ”.

Nghe mẹ kể chuyện đời nhọc nhằn mưu sinh trên Tam Giang với chúng tôi, Bé cứ úp mặt vào chiếc thuyền nhỏ, lâu lâu ngoái đầu lại để nhìn mẹ. Mới học lớp 5 nhưng người  Bé gày và đen xám, Bé kể: Em đã học mò trìa được hai năm, mỗi ngày em chỉ kiếm được 10.000 đồng, mấy tháng hè được cái có nhiều khách về tham quan đầm Chuồn nên em kiêm luôn nghề chèo ghe đưa khách đi tham quan “nhà chồ” trên đầm. Mỗi lần đưa khách đi cũng kiếm được vài chục nghìn, em đưa mẹ cất giữ để mua sách vở và may áo quần cho mấy em vô năm học mới. 

Đường học còn xa

x
Những đứa trẻ trên chiếc thuyền này liệu có tiếp tục bỏ học? 

Thiếu ăn, thiếu mặc, những "mầm non" vạn đò trên phá vào đời từ rất sớm. Tuổi thơ của chúng chỉ kéo dài từ khi lọt lòng đến chừng 5 - 8 tuổi sau đó phải rong ruổi trên đầm, trên phá mưu sinh. Khi trẻ em những nơi khác chuẩn bị cắp sách đến trường thì với nhiều đứa trẻ vạn đò trên phá bắt đầu cuộc hành trình trở thành một "lao động chính". Đối với chúng học chữ là “một điều gì đó vô cùng xa lạ” và "không quan trọng" bởi có một điều bức thiết hơn là kiếm sống qua ngày.

Với quan niệm "không có chữ cũng không chết" khiến cho bao thế hệ dân vạn đò trên phá Tam Giang chỉ biết sử dụng dấu vân tay làm chữ ký. Được sự vận động của chính quyền địa phương, dần dần họ cũng nhận thức ra vai trò của việc học chữ và "quyết tâm" cho con em mình đến truờng. Nhưng rồi phần vì không có tiền đóng học phí, phần nữa vì phải chèo thuyền đi học quá cực khổ những đứa trẻ vạn đò đến trường thưa dần rồi bỏ hẳn. Giấc mơ con chữ lại dở dang. Gia đình nào cố lắm cũng chỉ đủ khả năng cho con mình học đến lớp 5 rồi dừng lại. Trước là phải ở nhà phụ giúp gia đình, sau là nhường suất "biết chữ" cho những đứa em.

Đang học rất khá nhưng vì đã đạt "mốc" lớp 5 nên Trần Văn Hợi ở xóm đò xã Quảng Ngạn đành phải từ bỏ giấc mơ đến trường, ngày ngày lao mình xuống đầm xuống phá mò cua bắt ốc kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Nhìn bé còm nhom, đen sạm vì nắng gió và thiếu ăn say sưa đọc tờ báo, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ẩn sâu trong đôi mắt buồn của em là một khát khao cháy bỏng được đến trường, được học chữ, được vui đùa cùng thầy cô và bè bạn.

Nhiều hôm nhớ thầy cô bè bạn em chỉ biết khóc thầm. “Em sẽ cố gắng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ để mấy đứa em có thể học cao hơn, nhưng cũng khó lắm", Hợi tâm sự. Quả là khó thật bởi sau Hợi còn có đến 5 đứa em, việc kiếm tiền để "xoá mù" cho chúng là cả một vấn đề khi cả gia đình chỉ chờ vào mảnh lưới, nộ trò, nộ sáo. Rồi những thằng Dũng, con Nhớ, thằng Nam...cũng vì hoàn cảnh khó khăn, nhà đông anh em, không có tiền đóng học đành phải nghỉ giữa chừng nhưng trong thâm tâm chúng vẫn mơ một ngày được cắp sách trở lại.

Theo ông Trần Văn Minh, trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh xã Quảng Lợi cho biết: Toàn thôn có gần 200 hộ dân thì có đến 30% người mù chữ. Cứ tính từ độ tuổi 30 trở lên, số người biết chữ trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện con cái bỏ học diễn ra thường xuyên. Năm ngoái cả thôn có gần 50 em cấp 2 nhưng khi thi tốt nghiệp lên cấp 3 chỉ còn chưa đầy 10 em tiếp tục theo học. Cả thôn chỉ có 2 đứa đang theo học đại học. Đời cha mẹ cực quá, họ chỉ nghĩ đến chuyện làm sao kiếm được ngày ba bữa cơm,  chớ việc đầu tư cho con mỗi năm vài chục triệu đồng theo học đại học mấy ai dám nghĩ tới. Chuyện con cái bỏ học diễn ra thường xuyên, chung quy cũng tại đói nghèo cả”…

Trẻ em nơi đây vì mưu sinh “mò” chữ nhọc nhằn sau khi vớt từ đầm lên những sản vật hiếm hoi…

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ