(GD&TĐ) - Thí sinh gương mặt xinh đẹp nhưng hai chân teo nhỏ vì dị tật trên lưng người cha già mặc bộ quân phục bạc màu, gương mặt đen sạm vì nắng gió - hình ảnh tại điểm thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã khiến nhiều người xúc động.
Chú Phiên cõng con gái về ký túc, nơi hai cha con ở trọ trong 3 ngày thi. Ảnh: gdtd.vn |
Vũ Thị Hoài - Học sinh Trường THPT Đông Hưng Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình) - là thí sinh dự thi khoa Công nghệ Thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ngay từ lúc lọt lòng, đôi chân Hoài đã dị dạng khác thường. Nhà nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp, lúc nào Hoài cũng mong mỏi được học, được trở thành trí thức để tự nuôi sống bản thân, không giống các anh chị của em, không ai học quá cấp 2.
Đôi chân không thể tự đi lại, hàng ngày, cha hoặc mẹ phải thay phiên cõng em đến trường. Biết bao nhiêu khó khăn phải đối mặt trong suốt 12 năm học, vậy mà năm học nào Hoài cũng là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.
“Nhiều anh chị còn tật nguyền hơn em nhưng họ vẫn phấn đấu để trở thành người thành đạt trong cuộc sống, có đóng góp cho xã hội. Em cũng mong được như các anh chị. Ước mơ của em sau này trở thành một lập trình viên giỏi, có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và đỡ đần cha mẹ. Em chọn thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông và quyết tâm thi đỗ vào trường.
Hai ngày qua, mơ ước vào trường của em càng lớn hơn. Các anh chị, thầy cô ở trường quá tốt, không chỉ giúp em lên được phòng thi an toàn mà còn đến động viên, thăm hỏi, tặng quà. Ngay thầy Phó giám đốc Học viện cũng đã đích thân xuống phòng em hỏi thăm, động viên.” - Hoài tâm sự.
Chú Vũ Văn Phiên - cha của Hoài - từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Theo chú, Hoài có thể bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Vũ Thị Hoài xem lại kiến thức môn Hóa chuẩn bị cho ngày thi sáng mai. Ảnh: gdtd.vn |
Tự hào về cô con gái giàu nghị lực, chú Phiên kể lại: Hoài rất ham học. Đầu tiên, gia đình chỉ xác định cho con bé học hết cấp 2 nhưng nó năn nỉ được học tiếp nên gia đình cố gắng khắc phục khó khăn. Thời gian cấp 1, 2 trường ở khá gần nhà nên hai vợ chồng hoặc các anh chị thay phiên nhau cõng Hoài tới trường. Lên cấp 3, các anh chị đều đi làm xa, cả nhà chỉ còn 3 người, trường lại xa cách nhà đến 4 cây số nên việc đi lại rất vất vả:
“Chúng tôi làm nông, ở nhà còn ruộng nương, lại chăm sóc bố mẹ già yếu nhưng vẫn phải bố trí ngày 4 lượt đưa con đi về bằng xe máy, hôm nào học hai buổi là 8 lượt đi về. Nếu cháu thi đỗ ĐH, tôi mừng nhưng cũng lo nhiều lắm, một phần vì kinh tế, nhưng cái chính vẫn vì không yên tâm khi con không có cha mẹ ở bên. Trước khi đi thi, hai cha con đã cùng bàn bạc, nếu cháu đỗ tôi sẽ lên ở cùng tháng đầu, sau đó chắc sẽ phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của bạn bè, nhà trường” – chú Phiên chia sẻ.
Khi phóng viên hỏi về trường hợp của thí sinh Vũ Thị Hoài, ông Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông - cho biết: Trường hợp như của em có thể được xét tuyển thẳng vào ĐH. “Nếu kết quả thi của Hoài tốt, đủ điểm đỗ thì không sao, nhưng nếu có khó khăn, em có thể làm đơn xin đặc cách, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện. Chúng tôi cũng đã nói với em và gia đình về chuyện này.” -ông Lập khẳng định.
Nhiều thí sinh đặc biệt thi ĐH Trong đợt thi này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ghi nhận 4 trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt: - 1 thí sinh bị liệt cả hai chân, người cha phải cõng con đến trường thi; - 1 thí sinh dị tật tay chân, đi lại rất khó khăn; 1 thí sinh bị thương, bó bột từ đầu gối trở xuống không thể đi lại. Với thí sinh này, mẹ phải đưa em đến trường thi bằng taxi, sau đó, sinh viên tình nguyện của trường cõng em lên phòng thi và cõng xuống sau khi kết thúc môn thi; - 1 thí sinh cao chưa đầy một mét - dự thi tại điểm thi tại Mỗ Lao. |
Hiếu Nguyễn