Bảo tồn giá trị văn hóa
Nhiều năm qua, trường học tại Bắc Ninh đưa Quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường. Đây là một trong những giải pháp góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương.
Cô Nguyễn Thị Hoài - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Cường 2 (TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh) cho biết, mô hình dạy Quan họ trong nhà trường thành công vì được cả phụ huynh và học sinh đón nhận.
“Mỗi năm các em chỉ cần học 1, 2 bài hát Quan họ nên các em thuộc nhanh. Thêm nữa, câu lạc bộ Quan họ của các nghệ nhân tại khu Bồ Sơn, phường Võ Cường dạy miễn phí cho các cháu ngoài giờ nên phong trào rất mạnh mẽ…”, cô Hoài chia sẻ thêm.
Theo cô Hoài, việc học sinh tiếp xúc, học quan họ từ sớm sẽ rất tốt, góp phần hình thành nhân cách, truyền cho các em lửa “đam mê” giữ nền văn hóa của quan họ cổ.
“Với phương châm “học phải đi đôi với hành”, nghệ nhân Tạ Thị Hình (70 tuổi) thường xuyên giúp nhà trường dạy hát cho HS. Học thên từ nghệ nhân giúp các em nhớ lâu, hứng thu hơn với loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Đồng thời, HS tham gia hoạt động tại “nhà quan họ” - nơi các em được để học quan họ và giao lưu quan họ với chính những liền anh, liền chị tại các thôn xung quanh…”, cô Hoài nói.
Là GV trực tiếp giảng dạy bộ môn dân ca quan họ cho học sinh, cô Nguyễn Thị Hồng Mơ – Trường Tiểu học Võ Cường 2 cho biết, học quan họ không dễ, tuy nhiên nhờ tạo sức hấp dẫn nên được học sinh đón nhận rất tốt.
“Từ luyến láy, vang rền, nền nẩy… học được rất khó vì các em còn nhỏ. Bên cạnh đó, việc kinh phí phát tài liệu, xây dựng câu chuyện quan họ cuốn hút học sinh… eo hẹp cũng là các trở ngại, cần xã hội hóa.
Dù vậy, bản thân mình rất phấn khởi vì được truyền cảm hứng, tình yêu, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, bảo tồn văn hóa Bắc Ninh trong chính mỗi bạn học sinh. Các em mới học quan họ thì có thể học hát theo bài “Mười nhớ” từ thầy cô, gia đình hoặc trên Youtube, dù là lời cổ hoặc lời mới…”, cô Mơ tâm sự.
Em Nguyễn Thanh Hà (lớp 4A2, Trường Tiểu học Võ Cường 2) chia sẻ: “Con học hát được 5 bài. Ngoài việc hát ở trường con hay mở mạng để nghe các làn điệu dân ca Quan họ rồi hát theo. Những lúc ngoại khóa, con thường hay hát để các bạn khác hát cùng.”
Còn Lê Gia Linh (lớp 4A3 Trường Tiểu học Võ Cường 2) thì vui vẻ khoe, bố mẹ con rất vui và thường xuyên cho con học hát về quan họ để thi với các bác hàng xóm.
“Các cô dạy rất tận tâm, từng nốt nhạc. Đầu tiên khó khăn lắm nhưng vì có các bạn nên giờ con thích hát quan họ hơn…”, em Lê Gia Linh nói.
Chương trình phù hợp lứa tuổi
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Bắc Ninh) cho biết, Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, quê hương của những những làn điệu dân ca mượt mà, những câu Quan họ đắm say lòng người.
“Nhiều năm qua (từ năm học 2011 -2012), ngành giáo dục Bắc Ninh đã quan tâm bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa quý báu của quê hương. Đặc biệt, là đưa dân ca Quan họ Bắc Ninh vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn tỉnh…”, cô Ngọc nói.
Theo cô Ngọc, các tài liệu và chương trình giảng dạy dân ca Quan họ được thẩm định về mặt khoa học âm nhạc cũng như khoa học sư phạm nhằm bảo đảm phù hợp với từng lứa tuổi.
“HS bậc Tiểu học học 16 tiết/năm học, HS bậc THCS, học 17 tiết/năm học và ở bậc THPT là 12 tiết/năm học. Riêng bậc mầm non, HS lớp 5 tuổi được nghe hát, nghe kể các câu chuyện về Quan họ. Việc giảng dạy được thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, có sự kết hợp giữa hình thức truyền khẩu dân gian của các nghệ nhân hoặc giáo viên gắn với không gian văn hóa Quan họ…”, cô Ngọc chia sẻ.
Cô Ngọc cũng lấy ví dụ, các bạn 5 tuổi được tiếp cận các làn điệu Quan họ dễ hát, dễ nhớ, các câu chuyện ngắn gọn, nội dung đơn giản. “Lên lớp lớn, chẳng hạn như bậc THCS, HS được học 4 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh theo lời mới và tiếp nhận 12 bài viết dưới hình thức kể chuyện về dân ca Quan họ Bắc Ninh như: Trang phục Quan họ nam, nữ; Quan họ trẩy hội Lim tìm bạn kết nghĩa; Lề lối hát Quan họ…”, cô Ngọc nói.
“Quả ngọt”
Theo Sở GD&ĐT Bắc Ninh tính đến nay, toàn tỉnh có 603 câu lạc bộ Quan họ trường học, mỗi trường có ít nhất 1 câu lạc bộ. Bên cạnh hoạt động giảng dạy trong nhà trường, HS được sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca Quan họ, giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị Quan họ.
“Trải nghiệm thực tế như mời trầu, kết bạn, nghe hát Quan họ... giúp các em hiểu hơn về nét đặc sắc trong văn hóa Quan họ. Từ đó, các em được sống được hòa mình vào chính dòng chảy quan họ của quê hương.
Nhất là việc biểu diễn hát Quan họ đã trở thành nội dung chính trong các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ của các trường học trên địa bàn tỉnh…”, cô Ngọc phấn khởi cho biết.
Nhằm đánh giá hoạt động dạy hát Quan họ trong trường học, những năm qua Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã tổ chức Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh dành cho HS phổ thông. Các cuộc thi là sân chơi để các bạn trẻ rèn luyện ứng xử, bày tỏ lòng tri ân tới những nghệ nhân Quan họ.
Từng lời ca, tiếng hát bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho thế hệ trẻ Bắc Ninh. Từ đó, các bạn thêm yêu quê hương, đất nước ngay từ trên ghế nhà trường.
“Bên cạnh đó, không khí vui tươi, phấn khởi từ các câu lạc bộ Quan họ nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn Bắc Ninh.
Các hoạt động giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường giúp phát triển phong trào nghệ thuật tại địa phương. Nhất là kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng âm nhạc…”, cô Ngọc nhấn mạnh.
Từ năm học 2020-2021, Chương trình giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường phổ thông tỉnh Bắc Ninh được biên soạn lại nhằm đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi và các quy định trong chương trình tổng thể môn Âm nhạc, Môn Giáo dục địa phương. Hoạt động trải nghiệm ở cả 3 cấp học, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
“Trong những năm học tiếp theo, ngành giáo dục Bắc Ninh sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác Dạy hát dân ca Quan họ trong các trường phổ thông.
Coi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong việc bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn góp phần giáo dục HS niềm tự hào và tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước…”, Trưởng phòng Công tác HS, SV nhấn mạnh.
Học sinh Bắc Ninh được tạo điều kiện tham dự các Lễ hội đầu xuân như Hội Lim (12 tháng Giêng) tại huyện Tiên Du, TP Bắc Ninh; lễ hội làng Diềm (6/2 Âm lịch) tại phường Hòa Long, TP Bắc Ninh…
Trước đó (ngảy 30/9/2009), Dân ca Quan họ Bắc Ninh vinh dự được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.