Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Đánh giá đúng khó khăn, bất cập

GD&TĐ - Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trong xu thế việc làm mới, LĐNT cần được đào tạo chuyên sâu để có thể thích ứng và nhanh chóng chuyển đổi việc làm.
Trong xu thế việc làm mới, LĐNT cần được đào tạo chuyên sâu để có thể thích ứng và nhanh chóng chuyển đổi việc làm.

Bên cạnh những kết quả tích cực và thuận lợi, việc đánh giá đúng những khó khăn, bất cập được xem là một giải pháp hiệu quả thúc đẩy công tác đào nghề cho LĐNT trong thời gian tới.

Chất lượng nhân lực trong xu hướng mới

Về những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN cho biết:

Người LĐNT tập trung tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi, đa dạng về lứa tuổi, trình độ, phong tục tập quán… Đặc biệt tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, việc tổ chức đào tạo gắn với việc làm vẫn là thách thức rất lớn.

Không chỉ có đào tạo nghề mà còn có rất nhiều yếu tố khác tác động như trình độ nhận thức, thói quen làm việc… một số địa phương còn rất lúng túng khi bố trí việc làm cho LĐNT sau học nghề. Khó khăn trong việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm địa phương của bà con sau học nghề… Vì vậy, để đạt được hiệu quả tích cực rất cần sự tác động tổng thể về kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của Đề án là đào tạo cho người lao động có kiến thức, kỹ năng tốt hơn, sau học nghề, có thể được giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động và thu nhập trong công việc đang làm; Đào tạo để chuyển đổi cho đối tượng LĐNT sang các ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ hoặc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì cần đào tạo chuyên sâu. Đối tượng tham gia cũng cần phải có điều kiện tốt hơn về đầu tư, trình độ, vốn…

Cũng theo ông Đào Trọng Độ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn tới cần bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu các ngành nghề. Đối với đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp sẽ theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Ở khu vực nông thôn, khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ dẫn đến dư thừa một bộ phận lao động. Thay vì để tự do di chuyển lao động ra thành thị hoặc khu công nghiệp, người dân được đào tạo để có tay nghề, định hướng được công việc sẽ làm, mức thu nhập, nơi làm việc. Nếu không được đào tạo bài bản theo định hướng, sẽ có nhiều lao động bị dư thừa, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất thiếu nhân lực.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới, thì yêu cầu dịch chuyển lao động cũng đang đặt ra những định hướng mới cho đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khu vực nông thôn nói riêng trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả đào tạo

Đề án đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những đề án phục vụ phát triển nguồn nhân lực tại nông thôn. Theo tổng hợp số liệu của các địa phương, quá trình thực hiện đề án, đã có hơn 134 nghìn hộ nghèo tham gia học nghề đã thoát nghèo, nhiều mô hình sau đào tạo nghề đã sản xuất hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề ở khu vực nông thôn.

Thông qua các lớp đào tạo, bà con đã thay đổi nhận thức tích cực, từ chỗ đi học nghề chỉ để nhận hỗ trợ, hoặc có thời gian rảnh rỗi thi đi học nghề, bà con đã hiểu được học nghề để có kiến thức, kỹ năng áp dụng vào sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có nội dung chỉ đạo tổ chức đào tạo khi xác định được việc làm và mức thu nhập của người lao động khi tham gia học nghề.

Đây là chỉ đạo đúng đắn, kịp thời làm cho chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT tăng lên rõ rệt. Hầu hết, các xã đã cơ bản đạt được các tiêu chí về việc làm, lao động qua đào tạo của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Tổng cục GDNN, chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được thực hiện là tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh ngiệm triển khai thực hiện đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ