Đây là bài toán mới về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong xu thế chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và đô thị hóa nông thôn.
Những cơ hội chuyển đổi
Theo thống kê năm 2019, lực lượng lao động nông thôn vẫn chiếm hơn 66% lực lượng lao động cả nước. Thực trạng thanh niên nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm rất phổ biến, trong số đó phần lớn là những công việc giản đơn, nhiều rủi ro và không có tương lai lâu dài.
Theo Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm, hiện nay có tới 67% người thất nghiệp là lao động giản đơn. Đây được xem là sự lãng phí lớn về nguồn lực xã hội, trong khi nhu cầu về lao động có trình độ, kỹ năng nghề đang ngày càng trở nên bức thiết hơn.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, khái niệm về nghề trong nông nghiệp cũng rất đa dạng và luôn thay đổi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới đây không chỉ quan tâm đến kỹ thuật mà còn cả quản trị chuỗi sản xuất, các tiêu chuẩn về an toàn, ứng dụng công nghệ, kiến thức về thị trường, hiện đại hóa hợp tác xã.
Chia sẻ về công tác đào tạo lao động nông thôn thời 4.0, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, đề án 1956, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp chính trị, phát triển kinh tế nông nghiệp. Lao động nông thôn trước đây không biết kinh doanh, không biết vận hành hay tham gia vào một mô hình tự động hóa. Họ được đào tạo ngắn hạn gắn với vị trí việc làm cụ thể.
Tuy nhiên, trong thời đại mới, nông nghiệp công nghệ cao thông minh bao trùm nhiều lĩnh vực như cây trồng, thủy hải sản, chế biến gỗ,... đây là những cơ hội chuyển đổi trong CMCN 4.0, khi các dịch vụ được cung ứng đến từng cá thể, kết nối mở rộng thông qua trí tuệ nhân tạo.
Do đó, giai đoạn tới cần tập trung đào tạo ở các cấp độ như đối với lao động chuyển đổi nghề, đào tạo trình độ trung cấp, đáp ứng vị trí, việc làm trong doanh nghiệp, chuỗi cung ứng lao động nông thôn.
Đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Sau hơn 10 năm thực hiện đề án, số lao động nông thôn được đào tạo, nâng cao kỹ năng, không ngừng tăng lên. Bình quân mỗi năm có trên 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 78-81%. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Từ khi triển khai đề án từ năm 2010 tới nay, nguồn nhân lực đã qua đào tạo tăng từ 40% lên 65%, làm thay đổi cơ cấu nhân lực, trong đó có lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế nông nghiệp. Đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở các địa phương phát huy hiệu quả.
Trong giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại, trong đó cấu phần quan trọng là đào tạo lao động nông thôn, tập trung nâng cao chất lượng lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ như mô hình kinh tế hộ gia đình, tiểu thương.
Sau khi được đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm 10 năm triển khai đề án, ngành giáo dục nghề nghiệp dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ chương trình cho giai đoạn tiếp theo để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, đặc biệt có sự tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.