Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

GD&TĐ - Những khó khăn về nguồn lực tài chính; phát triển chương trình đào tạo phù hợp đặc thù vùng biên giới... là những “nút thắt” cần được tháo gỡ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Hà Giang. 

Dệt thổ cẩm, một trong những nghề đào tạo cho LĐNT đạt hiệu quả cao tại các tỉnh miền núi.
Dệt thổ cẩm, một trong những nghề đào tạo cho LĐNT đạt hiệu quả cao tại các tỉnh miền núi.

85% lao động nông nghiệp có việc làm sau đào tạo

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” từ năm 2016 - 2019, tỉnh Hà Giang đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng  41.000 người, số người tham gia học nghề nông chiếm 54%, số người tham gia học nghề phi nông nghiệp chiếm 46%. 

Kết quả sau đào tạo, trong lĩnh vực phi nông nghiệp có 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo. Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 85% lao động có việc làm sau đào tạo, sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng cho thu nhập cao hơn.

Các ngành nghề được đào tạo bao gồm dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến chè, xây dựng dân dụng, may mặc. Đáng chú ý, một số mô hình hiệu quả trong dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, liên kết tiêu thụ sản phẩm như trồng rau an toàn, nuôi ong… đã giúp nhiều LĐNT ổn định việc làm, tăng thu nhập.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Hà Giang đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở trong tỉnh còn hạn chế, các ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, thiếu thốn trang thiết bị đào tạo, kinh phí cho công tác đào tạo nghề còn hạn hẹp. Nhiều LĐNT sau đào tạo vẫn rất khó khăn trong tìm việc làm, khó tạo lập sinh kế trong các nghề phi nông nghiệp. 

Đến nay, Hà Giang vẫn còn 7 huyện trong diện 30a, người dân còn thiếu những kinh nghiệm sản xuất cơ bản, đất sản xuất, nước sinh hoạt, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỉnh có 19 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 8%, người Mông chiếm 31%, còn lại là các dân tộc khác. Trong khi đó, quy mô kinh tế của tỉnh rất nhỏ, hầu như không có doanh nghiệp nào đủ khả năng thu hút hàng trăm lao động cùng một lúc. 

Đây là những khó khăn trong thực tế triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương thời gian qua.

Tìm giải pháp cho đặc thù của địa phương

Ông Vương Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang cho biết: Việc xây dựng, tổ chức và thực hiện hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, đào tạo nghề cho LĐNT hàng năm, mặc dù số lượng đào tạo của Hà Giang còn nhỏ nhưng đây được xem là sự cố gắng của địa phương.

Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt khoảng 54%, đào tạo nghề đạt 44%... So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 2015 - 2020 thì chưa đạt. Nguyên nhân do các chương trình tập trung đầu tư hạ tầng, do đó các chỉ số liên quan đến đào tạo nghề không đạt. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và giải quyết việc làm cho người dân địa phương cũng còn rất nhiều khó khăn. 

Đặc thù của tỉnh Hà Giang là có tới 270 km đường biên. Một số người dân địa phương, thay vì học nghề để tìm kiếm việc làm hiệu quả hơn, mà tự ý sang Trung Quốc để làm thuê, mỗi ngày thu nhập vài trăm nghìn đồng từ những công việc lao động giản đơn, không cần qua đào tạo. Dù biết đây là sai phạm, nhưng người dân vẫn đi để giải quyết ngay nhu cầu thu nhập.

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT hàng năm, Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch trên cơ sở thông tin từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện đăng ký chỉ tiêu theo nhu cầu, năng lực đào tạo, dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt, nhưng khi phân bổ, nguồn lực cho đào tạo nghề thường không bảo đảm.

Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ quản lý tại các trung tâm không giống nhau, quản lý giáo dục nghề nghiệp thấp hơn, đây là bất cập đã tồn tại từ khá lâu nhưng chưa được quan tâm, giáo viên dạy nghề cũng bị thiệt thòi về chế độ lương. 

Trong góc độ cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, ông Vương Đình Thắng cho rằng, để nâng cao chất lượng đời sống của người dân và phát triển kinh tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT vẫn luôn là vấn đề quan trọng được đặt ra. Trong giai đoạn tới, những bất cập nêu trên là “nút thắt” cần được tháo gỡ, để đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.