Một trong những thông tin được trao đổi nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm phụ huynh dịp đầu năm học là câu chuyện về an toàn, chất lượng cho bữa ăn bán trú.
Bên cạnh cha mẹ khoe những suất ăn “xịn xò” trong bữa trưa, bữa xế, cũng có người ngậm ngùi chia sẻ thực đơn nhà trường cung cấp lèo tèo vài lát thịt mỏng, sơ sài tí rau dưa…
Không phải ngẫu nhiên mà bữa ăn bán trú được cha mẹ đặc biệt quan tâm. Đa số học sinh đăng ký bán trú ở lớp nhỏ như mầm non, tiểu học, THCS, giai đoạn vàng của tăng trưởng. Bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng không chỉ giúp trẻ khỏe để học tốt mà còn góp phần cải thiện thể lực trong tương lai. Vậy nên hôm nay con ăn gì, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến có đảm bảo vệ sinh thực phẩm, con ăn có no và ngon miệng không… luôn là những câu hỏi canh cánh trong lòng của nhiều phụ huynh.
Nhận thức được tầm quan trọng của bữa ăn bán trú, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế các địa phương thường xuyên quán triệt chỉ đạo sát sao về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm chất lượng. Theo đó, hoạt động bán trú phải phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về thực phẩm, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh; bếp ăn thực hiện các yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm. Quy trình tổ chức bếp ăn bán trú phải được xây dựng khá chặt chẽ từ khâu cung ứng thực phẩm đến quá trình chế biến, giám sát. Nhà trường hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín. Khâu chế biến đảm bảo an toàn, vệ sinh và lưu lại mẫu thực phẩm hàng ngày.
Quy trình, quy định nghiêm ngặt, thế nhưng thực tế cũng có nơi này nơi kia chưa làm tốt, thậm chí còn bớt xén suất ăn của trò. Trước thềm năm học mới, thông tin hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TPHCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm với tổng số tiền 436 triệu đồng đã khiến dư luận xôn xao.
“Rút ruột” bữa ăn bán trú tương tự như Trường Tiểu học Hanh Thông cũng từng được phát hiện sau các cuộc thanh tra định kỳ hay theo đơn tố cáo ở một số trường. Tình trạng này khiến không ít người e ngại, ký kết hợp đồng, quy trình chế biến thực phẩm, khẩu phần ăn của trẻ đảm bảo dinh dưỡng hay không, xem ra đều phụ thuộc vào tâm và tầm của người lãnh đạo. May mắn thì gặp được trường có hiệu trưởng tốt, không may thì bữa ăn bị… rút ruột.
Tâm và tầm của người đứng đầu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú. Thế nhưng vậy cũng chưa đủ. Bên cạnh tâm và tầm của hiệu trưởng rất cần cơ chế giám sát tốt, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của cha mẹ học sinh trong quy trình tổ chức bán trú nói chung, ăn bán trú nói riêng. Cho đến nay, câu chuyện hàng trăm phụ huynh đưa con đi xét nghiệm sán lợn ở Bắc Ninh hay nửa đêm vẫn “họp” trước cổng trường canh chất vấn hiệu trưởng ở một trường tiểu học tại TPHCM… vẫn còn nguyên giá trị nhắc nhở về sự chu toàn của nhà trường cho bữa ăn học đường, về cơ chế giám sát của phụ huynh.
Hiện, có nhiều trường học chủ động công khai bữa ăn học đường trên trang web, bảng tin, phối hợp với phụ huynh kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn, đảm bảo cung cấp suất ăn đúng thực đơn, mời phụ huynh vào ăn cùng con… Những cách làm này rất cần được nhân rộng. Bởi khi tôn trọng vai trò giám sát, để phụ huynh có thể tham dự nhiều hơn trong các quy trình, nhà trường không chỉ nhận được sự đồng thuận, có điều kiện nâng cao hơn nữa chất lượng bán trú, mà quan trọng hơn, sẽ luôn neo giữ được niềm tin của cộng đồng xã hội đối với giáo dục.