Hà Nội nỗ lực xóa mối lo mất an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

GD&TĐ - Việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được ngành GD&ĐT Hà Nội đặc biệt quan tâm trước thềm năm học mới.

Học sinh Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) hào hứng với bữa ăn bán trú.
Học sinh Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) hào hứng với bữa ăn bán trú.

Có con vào lớp 1, chị Phạm Thị Thu Huyền ở quận Cầu Giấy chia sẻ: Bên cạnh việc làm quen với trường lớp thì quan tâm lớn nhất của gia đình là việc ăn bán trú tại trường. Do thời gian học tập ở trường khá dài nên việc ăn uống đảm bảo vệ sinh sẽ giúp trẻ có nền tảng sức khỏe tốt để học tập.

Còn chị Nguyễn Thanh Loan có con học mầm non tại quận Hoàng Mai cho biết: Do con khảnh ăn, hấp thụ kém nên gia đình rất lo. Nếu bếp ăn không đảm bảo vệ sinh, chất lượng thực phẩm kém dễ gây ngộ độc. Do đó, phụ huynh đều mong muốn được tận mắt nhìn thấy bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Cô Lê Thị Kiều Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Dương (quận Hoàng Mai) - thông tin: Để tổ chức bữa ăn bán trú an toàn, quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm. Bên cạnh ký hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm có uy tín, nhà trường cũng thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho học sinh.

Tương tự, Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) luôn chú trọng, quan tâm thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn bán trú, không để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Thủy, nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn bán trú; đảm bảo cung cấp suất ăn đúng thực đơn, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn.

Đóng chân tại khu đô thị sầm uất, Trường Mầm non Hoa Sen (quận Cầu Giấy) vẫn sở hữu khu vườn trên cao với hơn 2.000 m2, cung cấp cho bữa ăn của học sinh 3 lần/tuần. Có lẽ, đây là trường mầm non duy nhất ở nội thành có thể duy trì đều đặn bữa ăn cho học sinh từ nguồn rau sạch của trường.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen - cho biết: Nhà trường luôn xác định an toàn thực phẩm là khâu trọng điểm và ưu tiên trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Trong quy trình giám sát thực phẩm đầu vào, nhà trường đều thực hiện theo quy định về an toàn thực phẩm. Thực phẩm được nhập từ nơi có nguồn gốc rõ ràng.

Việc tiếp nhận thực phẩm hàng ngày đều có giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, ban giám hiệu, ban thanh tra nhân dân và đại diện giáo viên lớp. Thậm chí, nhà trường còn mời phụ huynh giám sát giờ ăn trên lớp cũng như quy trình chế biến thực phẩm.

Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai bài bản. Vào đầu năm học, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế ban hành kế hoạch liên ngành về công tác y tế trường học, trong đó đề ra mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.