Bữa ăn bán trú: Không để học trò 'đứt bữa'

GD&TĐ - Bên cạnh công việc tu sửa trường lớp, trang bị đồ dùng giảng dạy, sách giáo khoa… các trường có học sinh nội trú, bán trú cũng sẵn sàng lương thực, thực phẩm... Đây cũng được xem như giải pháp để các trường “kéo” học sinh trở lại học tập sau nghỉ hè.

Vườn rau xanh của Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) giúp học sinh trải nghiệm và tăng cường thêm cho bữa ăn bán trú. Ảnh: NTCC
Vườn rau xanh của Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) giúp học sinh trải nghiệm và tăng cường thêm cho bữa ăn bán trú. Ảnh: NTCC

Bảo đảm đủ chất và lượng

Nhiều năm trở lại đây, ngay sau trả phép (1/8), toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) lại cùng nhau tu sửa trường lớp, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Một trong những công việc không thể thiếu là huy động phụ huynh, giáo viên rãy cỏ, làm luống, gieo trồng một số loại rau xanh ngắn ngày để kịp bổ sung cho bữa ăn bán trú.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Công cho hay: Cuối tháng 5 (kết thúc năm học cũ) trường đề xuất với phụ huynh giữ lại một phần gạo từ chế độ ăn của học sinh chưa dùng hết trong năm tại trường. Như vậy, khi học sinh tựu trường trước khai giảng 1 hay 2 tuần, lương thực đều sẵn sàng. Thậm chí kể cả tới tháng 10 – khi đó chế độ hỗ trợ cho hơn 100 em bán trú mới “về” tới trường - suất ăn bán trú vẫn bảo đảm đủ chất và lượng.

“1.000 m2 vườn trường đã được trồng rau cải để có thể thu hoạch nhanh hơn, đúng dịp đầu năm học. Mặt khác sau thu hoạch, củ cải sẽ tiếp tục làm giống cho lứa rau sau. Các thầy cô cũng trồng thêm su su, rau ngót, bí… để thay đổi rau xanh trong các bữa ăn. Nguồn thực phẩm tươi sống, đã ký kết với đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm có giấy phép bảo đảm an toàn. Báo số lượng trước 1 ngày, thực phẩm tươi ngon sẽ được mang tới tận bếp…”, thầy Nguyễn Tiến Công chia sẻ.

Với giải pháp hợp lý, nhiều năm nay, các suất ăn bán trú của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố ngay từ đầu năm học đã ổn định và luôn bảo đảm chất lượng…

Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) bước vào năm học mới với 166 học sinh, trong đó có 40 em ăn ở tại trường các ngày trong tuần; hơn 100 học sinh đăng ký ăn bữa trưa. Nhiều học sinh ăn bán trú nên việc bảo đảm lương thực, thực phẩm được nhà trường quan tâm và lên phương án dự trù sớm.

Cô Mã Thị Chuyền - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Chế độ bán trú cho học sinh thường cuối tháng 9 mới cấp phát. Do đó, để ngày đầu tới trường, học sinh không bị đứt bữa, nhà trường không chia hết gạo cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 mang về mà giữ lại một phần để đầu năm học sử dụng.

Về thực phẩm, ban giám hiệu làm việc cùng nhà cung cấp để được nhận hàng trước, thanh toán sau (tháng 10). Và việc thanh toán dù chậm hơn nhưng vẫn phải bảo đảm tươi, sạch có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt không nâng giá so với thời điểm cung cấp.

Để cung cấp thêm rau xanh cho các bữa ăn, trường huy động giáo viên cuốc đất, làm cỏ, gieo trồng trước một số loại ngắn ngày, nhanh thu hoạch. Khi học sinh trở lại trường sẽ phân công theo lớp cùng chăm sóc. Có nguồn rau sạch do giáo viên, học sinh tăng gia sản xuất sẽ góp phần tiết kiệm, tăng cường chất lượng cho các suất ăn…

Ngày 22/8, học sinh Trường PTDTBT THCS Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) trở lại trường. Như vậy, việc đáp ứng đủ 3 bữa ăn/ngày cho 200 học sinh bán trú đã cận kề trong khi các khoản chi cho chế độ bán trú của học sinh thường tháng 11, 12 mới về tới trường. Vì vậy, ban giám hiệu sẽ phải chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm từ trước.

Thầy Quan Văn Thương - Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi: Thay vì để học sinh ăn gạo chế độ bán trú để lại từ cuối năm học trước, trường sẽ bán và dùng tiền đó mua gạo mới vào đầu năm học để không bị ẩm mốc, kém chất lượng. Thực phẩm cũng được nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp từ trước để được tươi ngon, an toàn.

“Ngay sau khi giáo viên trả phép, trường triển khai trồng rau xanh theo từng lớp. Sản phẩm thu hoạch được bếp ăn mua lại, học sinh vẫn được dùng rau sạch còn khoản kinh phí thu được từ lao động sẽ sử dụng làm quỹ mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng hàng ngày cho học sinh. Nhờ đó, phụ huynh gần như không phải đóng góp cho con trong suốt năm học”, thầy Thương cho biết thêm.

Đầu tháng 8, thầy cô và phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cùng làm cỏ, lên luống, gieo trồng rau xanh phục vụ học sinh vào năm học mới. Ảnh: NTCC

Đầu tháng 8, thầy cô và phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cùng làm cỏ, lên luống, gieo trồng rau xanh phục vụ học sinh vào năm học mới. Ảnh: NTCC

Giải pháp kéo trò tới lớp

Không thể phủ nhận, nhiều năm nay, việc tổ chức các bữa ăn bảo đảm chất và lượng trong các trường có học sinh bán trú, nội trú đã góp phần thiết thực trong việc kéo học sinh trở lại trường lớp dịp đầu năm học mới, lễ tết…

Cũng theo thầy Quan Văn Thương: Là trường học vùng cao biên giới, 100% học sinh dân tộc (Nùng, Sán Chỉ, Mông), điều kiện gia đình khá khó khăn… nhưng nhiều năm nay tỷ lệ học sinh trở lại trường lớp sau hè luôn đạt 98 - 100%. Để có kết quả này, việc tổ chức tốt các bữa ăn bán trú đã góp phần không nhỏ. Bữa ăn bán trú trở thành “điểm tựa” để học sinh tăng động lực và yên tâm học tập.

“Định mức hỗ trợ bán trú mỗi học sinh gần 600 nghìn đồng/tháng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, điều kiện miền núi đặc thù… nhưng nhà trường quyết tâm làm tốt việc tổ chức bán trú. Điều đó không chỉ giúp học sinh được thụ hưởng suất ăn đủ chất lượng, bảo đảm quyền lợi chính đáng, mà còn là giải pháp hiệu quả “kéo” học sinh trở lại trường lớp đông đủ”, thầy Thương khẳng định.

Còn theo thầy Trần Đình Hòa - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình), với các trường có học sinh nội trú, bán trú, vùng khó khăn, việc duy trì, chủ động nguồn thực phẩm cần thiết từ đầu năm học không chỉ giúp học trò không bị đứt bữa, bảo đảm sức khỏe, mà còn sớm ổn định sĩ số trường lớp. Trên cơ sở đó tạo nền tảng xây dựng chất lượng giáo dục toàn trường.

Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình), nhiều năm qua do làm tốt duy trì bữa ăn bán trú nên sức khỏe, cân nặng của học sinh đã cải thiện đáng kể. Tỷ lệ học sinh còi, thấp… giảm mạnh. Hơn thế, không còn tình trạng học sinh bỏ, trốn học đầu năm học mới, các em thậm chí háo hức sớm trở lại trường.

“Với 85% học sinh dân tộc Dao thuộc 17/19 thôn đặc biệt khó khăn, có em nhà xa trường tới 20km…, việc ổn định nguồn lương thực, thực phẩm đón học sinh đầu năm học vô cùng quan trọng. Ngoài yêu cầu đủ về lượng, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca (Lạng Sơn) còn kỹ càng trong khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm để phù hợp với sở thích, thói quen học sinh; bảo đảm cho các em phát triển cả thể chất, sức khỏe…”, cô Mã Thị Chuyền khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.