Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, chỉ số EQ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của trẻ.
Khi được hỗ trợ để phát triển EQ, trẻ sẽ ít có những hành vi xấu; biết làm chủ cảm xúc, giữ được bình tĩnh khi gặp chuyện không vui hay thất bại, giải tỏa những ý nghĩ tiêu cực…
“Cái nôi” của trí tuệ cảm xúc
EQ là thuật ngữ được viết tắt của “Emotional Quotient” - chỉ số trí tuệ cảm xúc. EQ được sử dụng để đo lường tính sáng tạo cũng như trí tưởng tượng của một người. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Harvard (Mỹ), khả năng thành công của một người bình thường phụ thuộc khoảng 20% vào IQ (chỉ số thông minh). Trong khi đó, 80% còn lại sẽ phụ thuộc vào chỉ số EQ. Một người có chỉ số cảm xúc cao sẽ có khả năng điều khiển, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân cũng như người xung quanh mình tốt hơn. Kết luận dựa trên một số nghiên cứu, các nhà tâm lý học cho rằng, những người có chỉ số EQ cao thường có khả năng cao thành công trong cuộc sống.
Để tâm đến việc rèn luyện cũng như cân bằng hợp lý giữa các chỉ số phát triển để trẻ phát triển toàn diện được coi là điều vô cùng quan trọng. Khi còn nhỏ, trẻ vẫn chưa hình thành tính cách, hành vi một cách hoàn toàn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, đó chính là giai đoạn vàng để rèn luyện và giáo dục nhằm tăng EQ cho trẻ.
Ông Lê Thanh Trông - Phó Giám đốc Công ty CP Cho bạn Cho con CBCC (TPHCM) chia sẻ: “Giáo dục cảm xúc bắt đầu sớm nhất từ gia đình bởi vì cha mẹ trao truyền cảm xúc cho con mọi lúc. Bằng chứng là khi người mẹ có cảm xúc tích cực hay tiêu cực đều ảnh hưởng đến con trong bụng (bắt đầu từ thai giáo). Cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe, mối quan hệ, dạy con, công việc, sự thăng tiến, tài chính…”.
Do đó, theo chuyên gia này, cha mẹ cần rèn luyện EQ cùng con trong trường hợp phụ huynh vô tình dùng lời nói làm tổn thương con mình lúc không kiểm soát cảm xúc. Hoặc, cha mẹ thường xuyên nóng giận và mất kiểm soát. Khi đó, cảm xúc tiêu cực sẽ được truyền sang con. Đồng thời, ảnh hưởng đến cả gia đình.
“EQ là một trong 4 chỉ số quan trọng nhất quyết định thành công và thỏa mãn cuộc sống. Đặc biệt, robot và AI ngày càng thay thế con người. Chính EQ là một khác biệt lớn trong thế kỷ 21 để con người vẫn là người, chứ không bị biến thành máy móc. Gia đình là cái nôi và thành trì của trí tuệ cảm xúc.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên tốt nhất. Giáo dục trí tuệ cảm xúc cần môi trường đồng cảm và tình yêu thương có trí tuệ”, ông Trông cho biết. Ngoài ra, theo chuyên gia này, gia đình sẽ trở thành tổ ấm hạnh phúc nếu mọi thành viên đều cùng nhau nâng EQ. Bởi, người EQ cao sẽ có hiệu quả hơn trong công việc và học tập, được thăng chức, kiếm nhiều tiền hơn. Đồng thời, làm việc hiệu quả hơn với những người khác, được khâm phục và có những mối quan hệ trọn vẹn.
“Trí tuệ cảm xúc là một trong những chỉ báo tốt nhất về thành công trong công việc cũng như sự thỏa mãn trong cuộc sống. Ai cũng có thể được đào tạo để sở hữu nó. Với sự đào tạo đúng, bất kỳ ai cũng có thể trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc”, ông Trông chia sẻ.
Hỗ trợ trẻ phát triển EQ
Bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, điều tuyệt vời khi trẻ được hỗ trợ để phát triển EQ đó là bé sẽ bớt đi những hành vi xấu. Đồng thời, biết làm chủ cảm xúc, giữ được bình tĩnh khi gặp chuyện không vui hay thất bại, biết cách giải tỏa những ý nghĩ tiêu cực… Trẻ có EQ tốt sẽ biết cách cư xử, cũng như dễ thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc đời.
Nữ giảng viên này gợi ý, để trẻ có thể phát triển EQ ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp con gọi tên cảm xúc. Cụ thể, để trẻ được miêu tả về cảm xúc của mình bằng lời nói hoặc hình vẽ. Song, cha mẹ không nên phủ nhận cảm xúc của con. Ví dụ như: “Sao con lại buồn? Có gì đâu mà buồn! Con đừng có mà giận dữ như thế! Sao lúc nào con cũng ủ rũ thế”. Thay vào đó, phụ huynh hãy thừa nhận cảm xúc của con: “Mẹ biết là con đang buồn… Mẹ biết là con giận… Chà, con vui phải không…”. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho trẻ dùng những đồ vật thay thế để gọi tên cảm xúc và hỏi vì sao. Ví dụ, dùng các con gấu buồn, giận dữ hay con gấu hạnh phúc…
Đồng thời, phụ huynh cũng được khuyến khích miêu tả cảm xúc của bản thân với con. Không ít cha mẹ thường quên làm điều này vì nghĩ rằng, trẻ chưa hiểu hoặc chưa chia sẻ được. Tuy nhiên, thực tế, việc cha mẹ mô tả cảm xúc cũng là đang làm mẫu cho trẻ. Bà Phan Hồ Điệp cho rằng, phụ huynh có thể nói cho con cách cha mẹ đã làm chủ cảm xúc, như vượt qua cơn tức giận.
“Hôm nay, mẹ đã rất giận vì bị một người bạn nói với mẹ lời không hay. Để khỏi cãi vã, mẹ đã đứng đếm ngược từ 50 - 0. Tối hôm qua mẹ buồn vì bố sai hẹn. Nhưng mẹ đã không gọi điện để giục vì sợ bố đi xe không an toàn. Trong lúc đó, mẹ đã lấy sách ra đọc…”, nữ giảng viên gợi ý. Cha mẹ cũng có thể nói về những điều khiến bản thân hạnh phúc như: “Mẹ đã rất vui vì cuối cùng bố mẹ đã mua được một căn nhà xinh xắn… Bố rất vui vì hôm nay nghe mẹ kể về việc học của con…”.
Chuyên gia này nhấn mạnh, phụ huynh cần chú ý không “đổ lỗi” cho con về việc trẻ khiến cha mẹ giận. “Con không làm cho bố mẹ giận dữ. Chính mẹ làm cho mẹ giận dữ. Việc này khó với các cha mẹ nhưng nên tập”, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ. Do đó, phụ huynh có thể nói: “Hôm nay khi mẹ thấy điểm kiểm tra của con, mẹ đã không kiểm soát được cảm xúc. Mẹ đã giận dữ….”.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể học cách nhận biết “cảm xúc” của không gian sống. Phụ huynh có thể nói với trẻ về cảm nhận đối với ngôi nhà, như lúc yên tĩnh/ bình an, khi nặng nề/ sống động...
“Hãy cùng con nói về điều đó. Ví dụ, buổi sáng ngày nghỉ, cả nhà ngủ dậy muộn, nằm nán lại trên giường nghe tiếng chim hót, cha mẹ có thể nói: Chà, mẹ cảm thấy một bầu không khí thật thoải mái và dễ chịu quanh mình. Những khi mua đồ Giáng sinh để trang trí nhà cửa chẳng hạn, có thể nói: Bố mẹ như thấy căn nhà của mình rộn rã/ vui nhộn/ náo nức hẳn lên”, nữ giảng viên gợi ý.
Trong trường hợp cha mẹ căng thẳng với nhau, phụ huynh được khuyến khích trò chuyện với con. Nếu trẻ cảm thấy không khí trong nhà ngột ngạt, khó chịu, cha mẹ có thể cùng con đi dạo, ra công viên hoặc làm gì đó khiến bé dễ chịu hơn. Ngoài ra, điều quan trọng là gia đình hãy nhận biết cảm xúc ở những môi trường khác nhau. Ví dụ, khi bước vào một khu mua sắm, mọi người sẽ thấy vui hơn, bước chân nhanh hơn… Hoặc, khi trời chuẩn bị chuyển sang mùa đông, có thể mọi người sẽ cảm thấy tâm trạng đi xuống.
“Hãy nói về những cảm xúc đó và hỏi con những câu như: Con cảm thấy thế nào khi mùa hè? Con có thấy dễ chịu khi ở trong nhà một mình không? Con có thấy thoải mái khi vào một nơi đông đúc không? Giữa một siêu thị vắng người và một siêu thị rất nhộn nhịp người mua sắm thì con cảm thấy điều gì tốt hơn?... Việc giúp trẻ tự nhận biết về cảm xúc của bản thân ở những môi trường khác nhau sẽ khiến trẻ “nhìn” được thật sâu vào trong suy nghĩ của mình. Đồng thời, giúp con dễ thích nghi, dễ bộc lộ khi gặp những thay đổi, ví dụ khi chuyển trường”, bà Phan Hồ Điệp nhận định.
Cha mẹ có thể cùng trẻ tham gia những trò chơi nhập vai tưởng tượng. Theo bà Phan Hồ Điệp, phụ huynh có thể đưa ra tình huống: “Một người nghèo ngồi ăn xin trên phố và một em bé đi mua bánh ngang qua. Em bé đã tặng cho người nghèo một cái bánh. Con thử nghĩ xem, hai người sẽ cảm thấy thế nào?”. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích con về việc “cho đi” không chỉ vật chất, mà còn là những điều giản dị như: Nụ cười, lời khen ngợi, sự động viên với người khác và hỏi cảm nhận của con về điều đó.
“Dạy con về việc hành động của mình có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người xung quanh. Một trò chơi rất thú vị nhưng cũng rất tốt đó là cùng con diễn tả các tâm trạng trên khuôn mặt và nhìn vào gương”, nữ giảng viên gợi ý.