Cú hích thay đổi tư duy

GD&TĐ - Hiện nay, một bộ phận học sinh và gia đình đã định hướng từ sớm việc tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài nỗ lực học các môn văn hóa.

Khuyến khích hoạt động ngoại khóa. Ảnh minh họa/INT
Khuyến khích hoạt động ngoại khóa. Ảnh minh họa/INT

Đó có thể là tạo điều kiện để con phát huy tiềm năng về nghệ thuật, thể thao; phấn đấu trở thành cán bộ lớp năng nổ, hoặc một vị trí có sức thuyết phục cho khả năng lãnh đạo; tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện, thiện nguyện; tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường học…

Nhưng thực tế đây chưa phải số nhiều, và dường như phần đông trong số đó nỗ lực vì mục đích “làm đẹp” hồ sơ để có thể xin học bổng tại một trường đại học ở nước ngoài.

Ở Việt Nam, chú trọng giáo dục toàn diện để phát triển con người cả đức, trí, thể, mĩ luôn là tư tưởng xuyên suốt. Mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục năm 2019 ghi rõ: “Giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...”. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngoài 5 phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm), còn đưa ra các năng lực cốt lõi: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thể chất.

Trong những năm qua, từ bậc mầm non đến phổ thông, các cơ sở giáo dục đều chú trọng tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục STEM cho học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng và có kết quả tốt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc chỉ chú trọng đến dạy và học các môn văn hóa, tư duy chạy theo điểm số vẫn ăn sâu trong không ít nhà trường, thầy cô, học sinh và cả các bậc làm cha mẹ.

Nói đến một trường, điều đầu tiên được quan tâm là học sinh trường đó có nhiều thành tích học tập hay không, điểm thi tốt nghiệp điểm ra sao, hoặc có nhiều em đỗ vào các trường đại học danh tiếng hay không?... học sinh  dành quá nhiều thời gian cho việc học, chưa chú trọng rèn luyện thể chất, ít hào hứng tham gia hoạt động khác để phát triển kỹ năng. Học sinh có chiến dịch bài bản để tranh cử chức danh như lớp trưởng, chủ tịch hội học sinh… thường thấy ở các nước phát triển lại là “chuyện hiếm” ở Việt Nam.

Thay đổi việc này không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên, triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt quan tâm tới môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất là tiền đề vô cùng quan trọng cho việc phát triển toàn diện đức, trí, thể, mĩ mỗi trò.

Năm 2022, các trường đại học bắt đầu ưu tiên xét tuyển các tiêu chí khác ngoài điểm học tập, như thành tích văn thể mĩ, hoạt động xã hội, tài năng thể thao… có thể là cú hích để từ người học đến thầy cô và gia đình thay đổi tư duy. Có điều việc quan tâm đến hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng, năng khiếu không nên chỉ dừng lại vì một hồ sơ đẹp, mà phải vì mục tiêu căn bản, lâu dài là phát triển toàn diện con người, đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống hiện đại, từ đó sống tốt, sống có ích và cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...