Để hoạt động ngoại khoá bổ ích và an toàn

GD&TĐ - Hoạt động ngoại khóa là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng ở nhà trường trong việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học
Trưng Vương, Hà Nội. Ảnh minh họa
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương, Hà Nội. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, làm sao để hoạt động ngoại khoá thực sự bổ ích và an toàn cho học sinh luôn là câu hỏi đặt ra khi nhiều tai nạn đáng tiếc luôn xảy ra hàng năm.

Gần đây, vụ việc 2 học sinh tử vong khi đi ngoại khóa, gồm 1 HS TPHCM đuối nước ở Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) và 1 HS Hà Nội tử vong cùng 2 HS khác bị thương khi chơi “tàu lượn siêu tốc” ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (tỉnh Phú Thọ), khiến cha mẹ và dư luận không khỏi bất an.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đây là sự việc đáng tiếc nhưng cũng là bài học để ngành GD-ĐT, các nhà trường rút kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa sự cố tương tự. 
Bộ GD&ĐT luôn lấy việc bảo đảm an toàn trường học là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong 5 năm gần đây, đã có khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn... được Bộ gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở giữ an toàn cho HS, trường học.

Năm 2020, sau việc HS lớp 12 ở Sóc Trăng bị tai nạn tử vong vì ngã xe đạp trong chuyến đi trải nghiệm ở Đà Lạt, Bộ đã yêu cầu bảo đảm an toàn trong các chuyến dã ngoại, trong đó nhấn mạnh giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ, ý thức chấp hành các quy định cho HS khi tham gia các hoạt động thực tế. Đặc biệt, cần phối hợp cùng cha mẹ để quản lý HS trong hoạt động dã ngoại.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Sau sự việc đau lòng này, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh việc tổ chức phải tuyệt đối an toàn, không để HS tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời tăng cường quản lý HS, không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Với vụ việc tại TPHCM, theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đây là sự cố đáng tiếc và đau lòng. Lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình HS tử nạn. 

Theo ông Dũng, hằng năm, Sở GD&ĐT TPHCM  có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa nhưng có một số nơi chưa phối hợp nhịp nhàng. Sắp tới, sở có hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, nên tổ chức ở những địa điểm nào, phân công giáo viên ra sao. Nếu trường nào cảm thấy không bảo đảm an toàn được không tổ chức, đã tổ chức phải lên kế hoạch và có trách nhiệm.

Tuy nhiên, không vì trường hợp sự cố hy hữu mà ngưng tổ chức hoạt động ngoại khóa, trong khi chương trình này mang đến lợi ích rất nhiều cho HS. Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhà trường phải nắm được tình hình sức khỏe của từng HS đăng ký tham gia, lưu ý kỹ những HS có bệnh lý.

Khi lên kế hoạch, trường cần lựa chọn chương trình phù hợp với lứa tuổi, hướng xử lý khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Đối với những nơi có nước như ao, hồ, sông, suối... cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường và đơn vị tại chỗ. HS bậc mầm non, tiểu học cần có lực lượng giáo viên dày hơn để chăm sóc, quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ