Con đường đong đầy cảm xúc của thầy giáo trẻ

GD&TĐ - Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Thạc sỹ chuyên ngành GD Thể chất, Dinh dưỡng, đã thực hiện thành công hành trình xuyên Việt 48 ngày. Chuyến đi không chỉ là thử thách ý chí, lòng can đảm của thầy giáo trẻ mà còn kết nối cộng đồng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp vào cuộc sống thông qua nhiều hoạt động bổ ích. 

Nhặt rác 
là một trong những 
hoạt động chính 
trong suốt hành trình 
của nhóm.
Nhặt rác là một trong những hoạt động chính trong suốt hành trình của nhóm.

Vượt qua chính mình

Tuấn Anh chia sẻ, để hiện thực ước mơ đi xuyên Việt, anh đã phải kiên trì tập luyện gần 2 tháng với những bài test thể lực gắt gao như dậy từ 5 giờ, đi bộ với quãng đường từ 5-10km. Đặc biệt, việc luyện tập được xác định như tiến hành đi thật nên trên lưng anh luôn đeo ba lô nặng 13kg (hành trang cá nhân đi đường). Quá trình tập luyện của Tuấn Anh diễn ra hàng ngày và gần như không có ngày nghỉ.

Hành trình xuyên Việt với quãng đường dài 1.800 km của Tuấn Anh và 2 học trò từ ngày 26/4/2019, tại Bến Nhà Rồng TP HCM và đến Hà Nội lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 17/8/2019. Mỗi ngày 3 thầy trò đi bộ trung bình 40km. 100km/ngày là quãng đường dài nhất nhóm đạt được trong hành trình khi đi qua Nghệ An và Thanh Hóa. 3 thầy trò đã vượt qua nhiều thử thách. Nhóm không ngủ đêm ở nhà nghỉ, khách sạn để tiết kiệm số tiền vận động hoặc nhà hảo tâm trao tặng để làm từ thiện.

Có những ngày đi bộ qua các tỉnh miền Trung thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng lên tới 40 độ, phải mang đầy đủ áo mũ chống nắng để tránh bị mất nước và bỏng rát. Thậm chí để kịp kế hoạch đặt ra ở chặng phía trước nhóm đã từng đi xuyên đêm, đi giữa mưa to giông bão… Hoặc thời điểm nhóm leo Fansipan đã gặp đúng cơn bão đổ bộ vào miền Bắc. Mưa giông như trút nước, nhiều đoạn đường ngập trong nước, có khi nước lũ chảy siết dưới chân, trơn trượt, nhiệt độ xuống thấp từ 4 - 7 độ C…

Điều đáng nói, dù rất nhiều khó khăn thử thách trên đường đi nhưng các thành viên luôn ngùn ngụt ý chí “chinh phục” bằng được những con đường bằng chính đôi chân bền bỉ của mình. Để đảm bảo không bị tác động từ người thân gia đình phải bỏ cuộc, một mặt khâu tư tưởng được nhóm giải thích, chia sẻ kĩ càng để mọi người cùng hiểu và ủng hộ.

Mặt khác, điện thoại liên lạc trong suốt hành trình dường như được quy định chỉ để thông báo với người thân về sự an toàn trên hành trình, để thông tin giữa các thành viên trong nhóm trong quá trình di chuyển (có đoạn đường nhóm chia tách mỗi người đi một đường và gặp nhau ở 1 điểm). Không ai qua điện thoại được phàn nàn, kể lể, tâm sự khó khăn, thử thách để tránh bị tác động thiếu tích cực tới ý chí và quyết tâm.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Tuấn Anh, người khởi xướng hành trình xuyên Việt cho mình và học trò cũng đóng vai trò truyền “lửa” cho cả nhóm. Anh không chỉ giữ nghiêm kỉ luật giờ, ngày xuất phát, nhắc nhở học trò tập luyện đều đặn giữ gìn sức khỏe… mà còn luôn mang đến những suy nghĩ tích cực suốt hành trình để khích lệ. Tuấn Anh còn kiêm cả nhiệm vụ chăm sóc dinh dưỡng từng bữa ăn, nước uống cho các thành viên trên suốt đường đi.

Hành trình ý nghĩa

Thạc sỹ Tuấn Anh trên hành trình 
xuyên Việt.

Mục tiêu của chuyến đi bộ xuyên Việt đã được thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn Anh đặt ra rõ ràng trước khi xuất phát. Đó là rèn luyện bản thân về cảm xúc, thể chất, kiến thức, ý chí, bản lĩnh; Kêu gọi những người dân (nơi các anh đi qua) tập luyện thể dục thể thao, bảo vệ môi trường vì tương lai Việt Nam sạch đẹp, giàu mạnh; Giữ môi trường trong lành cho những thế hệ tương lai; Thành lập quỹ khuyến học giúp đỡ SV có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Để đạt được những mục tiêu, tự bản thân mỗi người trong nhóm đều ý thức tập luyện hàng ngày, khởi động trước khi bắt đầu di chuyển. Vận động và cùng tập luyện, bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, xoa bóp bấm huyệt… với người dân một số tỉnh thành mà đội đi qua. Mặt khác, với phương châm “Không một ai có thể nhặt hết rác trong môi trường, cộng đồng nhưng mỗi ngày có thể làm sạch nơi mình ở, giúp khu phố nơi mình sống sạch đẹp hơn. Để rác vào đúng nơi quy định…” nên đặt chân đến nhiều tỉnh thành, nhóm đều dành thời gian vận động người dân nhặt rác thải nhựa, phân loại rác thải…

Trung bình khoảng 20 - 40 người tại các khu vực như TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa), bờ biển Đà Nẵng, ven sông Lam (thành phố Vinh – Nghệ An), Hồ Gươm (Hà Nội)… hưởng ứng nhặt rác sau kêu gọi của nhóm. Bản thân nhóm, trong hành trình xuyên Việt và chinh phục Fansipan cũng tự mình thu gom rác. Toàn nhóm không để bất kỳ mảnh rác nào dù nhỏ rơi xuống đường trong hành trình xuyên Việt.

Tuấn Anh chia sẻ trong xúc động: Mỗi ngày trôi qua, mỗi bước chân tiến về phía trước, chúng tôi đều nhận ra những bài học về ý chí và tình yêu thương giữa người và người. Chúng tôi được giúp đỡ, được tham gia vào sinh hoạt hàng ngày của bà con địa phương. Tới đâu cả nhóm cũng có những kỉ niệm đẹp với vùng đất và con người nơi đó...
Rất nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như: cô chở nước đá, bác bán hàng rong ven đường, trong chợ, những người nông dân, công nhân và cả cán bộ lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp… sau khi nghe nhóm chia sẻ mục đích chuyến đi đã đề nghị giúp đỡ từ chỗ ăn, nơi nghỉ… Nhờ sự yêu thương và giúp đỡ của nhiều người trên dọc hành trình xuyên Việt mà nhóm đã hoành thành mục tiêu đề ra cũng như về đích an toàn.

Kết thúc hành trình, nhóm đã nhận được sự giúp đỡ 40.000.000 triệu đồng từ người thân, gia đình, các tổ chức xã hội... Số tiền này sẽ được Tuấn Anh trao tặng lại cho Quỹ học bổng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức – TP HCM để giúp đỡ những sinh viên hoàn cảnh khó khăn học tập tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.