Thiện nguyện: Lẽ sống của thầy giáo trẻ

GD&TĐ - Ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo Trần Văn Anh, Trường THCS Phong Hòa (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống, với mong muốn phần nào chia sẻ khó khăn, đùm bọc lẫn nhau...

Thăm và tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện A Lưới. Ảnh: TG.
Thăm và tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện A Lưới. Ảnh: TG.

Tấm lòng thiện nguyện

Khi còn là sinh viên Học viện Âm nhạc Huế, sau những lần theo các đoàn thiện nguyện đến các vùng quê nghèo, thầy giáo Trần Văn Anh như được thổi bùng lên niềm đam mê giúp đỡ những thân phận nghèo.

Năm 2015, sau khi ổn định công tác tại Trường THCS Phong Hòa, anh lập địa chỉ Facebook với tên “Người đi xin” kêu gọi cư dân mạng ủng hộ, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Để thuyết phục được nhiều người tham gia hỗ trợ, anh viết những bài viết miêu tả từng hoàn cảnh và nêu cảm xúc của bản thân mình về những mẹ già neo đơn, các em học sinh mồ côi, những gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo...

Thầy Văn Anh chia sẻ: Muốn tổ chức được các hoạt động thiện nguyện, trước hết cần có tấm lòng đồng cảm, sẻ chia chân thành với những người gặp khó khăn. Người đứng ra tổ chức cần tận tình, tận tâm, chân thật thì sẽ được mọi người ủy thác. Đồng thời, khi kêu gọi mọi người cùng góp sức, góp kinh phí hay vật chất thì cần công khai rõ ràng, minh bạch và trao đến tận tay người trong diện được giúp đỡ. Từ đó nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Với suy nghĩ, cuộc sống xung quanh mình có nhiều người, nhiều hoàn cảnh cơ cực, khó khăn, bệnh tật, nhiều em nhỏ mồ côi, nhiều người già không nơi nương tựa cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thầy giáo Văn Anh đã tự nguyện, tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện tại địa phương nơi mình sống và công tác, cũng như tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, thầy giáo Trần Văn Anh luôn kêu gọi và kết nối yêu thương đến cộng đồng.

Chương trình “Bao gạo nghĩa tình” giúp những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật; cùng với các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, thầy đã trao những phần quà giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn trên địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và lan rộng đến tỉnh Quảng Trị.

Nhờ cách làm này, trong những năm qua, mỗi lần tổ chức thiện nguyện, thầy giáo Văn Anh được đông đảo đồng nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất để có được những món quà giúp đỡ người nghèo.

Đặc biệt, gia đình và nhà trường nơi thầy công tác ủng hộ việc làm của thầy Văn Anh vì đó là những việc làm có ý nghĩa đối với cuộc sống, với những hoàn cảnh cơ nhỡ cần sự sẻ chia.

Kết nối và sẻ chia khó khăn

“Rong ruổi tìm nguồn hỗ trợ người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tôi nhận ra trong xã hội có nhiều những tấm lòng hảo tâm của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Người đóng góp 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng; cũng có những con số lên đến vài chục triệu đồng nhưng lại giấu tên. Đó là những tấm lòng cùng chia sẻ khó khăn, nó thôi thúc bản thân tôi phải cố gắng hơn nữa để có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”, thầy giáo Văn Anh tâm sự.

Đến nay, thầy giáo Trần Văn Anh đã lập quỹ hỗ trợ thường xuyên cho gần 100 mẹ già neo đơn sống tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) và huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Tùy theo mức độ khó khăn của từng trường hợp, giá trị mỗi phần quà từ 200 đến 500 nghìn đồng/tháng cùng nhiều nhu yếu phẩm, như sữa, gạo, dầu ăn... trong chương trình “Bao gạo nghĩa tình giúp đỡ người già neo đơn”.

Chuyên mục “Chung tay vì học sinh mồ côi”, anh cũng tìm được hàng trăm suất quà cho các em học sinh nghèo, mồ côi học khá, giỏi vào các dịp khai giảng, tổng kết năm học, Tết Nguyên đán, Trung thu... ở các huyện Phong Điền, Nam Đông và A Lưới và Hải Lăng với trị giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/suất cùng sách vở, quần áo, cặp sách... giúp hàng chục học sinh không phải bỏ học để lao động trước tuổi.

Khi hỏi về các hoạt động thiện nguyện giúp ích gì cho bản thân trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là dạy học? Thầy Văn Anh bày tỏ: “Tổ chức thiện nguyện, bản thân mình luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục các em học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh mình”.

Là một thầy giáo trẻ với chuyên môn vững vàng, thầy giáo Anh còn là tấm gương về lòng nhân ái, sự nhiệt huyết trong các hoạt động xã hội.

Những cố gắng nỗ lực của thầy giáo Anh trong sự nghiệp nhân đạo cao quý đã góp phần không nhỏ vào thành tích hoạt động đoàn viên thanh niên của Trường THCS Phong Hòa nói riêng và của phòng trào đoàn viên thanh niên huyện Phong Điền nói chung, xứng đáng với kỳ vọng tuổi trẻ xung kích mang tấm lòng nhân ái kết nối yêu thương đến khắp mọi miền đất nước.

Thiện nguyện để sẻ chia, chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những gia đình, hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống là hoạt động đã và đang được toàn xã hội tổ chức ở khắp mọi nơi. Đó cũng là điều thôi thúc và trở thành lẽ sống thiện nguyện của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh. Bởi lẽ, đó là những việc làm tử tế để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, cho mọi người gần gũi và yêu thương nhau hơn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ