Thầy giáo trẻ mang tấm lòng thiện nguyện

GD&TĐ - Một lần, có người quen nhờ thầy tìm kiếm và cung cấp thông tin các hoàn cảnh nghèo khó để phát quà hỗ trợ, thầy hăng hái đi khảo sát. Không ngờ gặp quá nhiều hoàn cảnh thương tâm, trái tim thầy “chao đảo”, và thế là bản thân thầy cũng trở thành một nhà thiện nguyện. Thầy là Nguyễn Quốc Duy (32 tuổi), dạy nhạc Trường TH Thị trấn Trà Ôn, Vĩnh Long.

Nhóm “Nụ cười” đồng hành cùng học sinh khó khăn
Nhóm “Nụ cười” đồng hành cùng học sinh khó khăn

Bén duyên với thiện nguyện

Sau cái duyên tình cờ đó, thầy Duy quyết định trích 500.000 đồng hàng tháng từ tiền lương của mình để mua 50kg gạo phát đều đặn cho 10 hộ dân xung quanh nơi thầy sinh sống. Dù ngày ấy, tiền lương không cao, cuộc sống cũng không dư dả mấy nhưng thầy tự nhủ phải tiết kiệm chi tiêu để dành giúp người nghèo.

Cố nhiên làm từ thiện thì phải đi vận động nhiều nguồn; lắm lúc vận động không thành công, thầy Duy trích tiền túi “ứng cứu” và sau đó tiếp tục kiên trì kêu gọi.

“Nhiều người cần giúp đỡ nhưng số lượng mạnh thường quân còn khiêm tốn. Tôi phải vận động tích cực hơn, từ những người quanh xóm tới những người khá giả ở xa; có người cho, có người hứa hẹn... Lúc đó không nghĩ gì cho bản thân, chỉ biết gạt cái tôi sĩ diện đi mà lao vào”, thầy Duy tâm sự.

Bằng tấm lòng nhân ái đó, thầy Duy dần dần kết nối được với nhiều người trên trang mạng xã hội, dù hai bên chưa gặp nhau nhưng họ sẵn lòng móc hầu bao ủng hộ. Ngoài ra, việc làm của thầy Duy cũng lan tỏa đến ban giám hiệu, giáo viên và học sinh của trường. Sát cánh với thầy trong các chuyến đi từ thiện hầu hết đều là đồng nghiệp. Trong khuôn khổ nhà trường, học sinh thì tìm cách giúp đỡ nhau bằng cách nuôi heo đất tặng cho bạn khó khăn.

Thành lập nhóm “Nụ cười”

Nhóm thiện nguyện “Nụ cười” của thầy Duy được thành lập vào năm 2014. Thầy Duy làm trưởng nhóm, phụ trách từ việc vận động, nhận hỗ trợ cho đến việc đến từng nhà phát quà cho những người khó khăn. Ban đầu chỉ là nhu yếu phẩm, tiền…, sau nhóm lập thêm quầy quần áo mang tên “Shop Nụ cười”, cái tên tuy rất “kinh doanh” nhưng hoàn toàn miễn phí.

Thầy giáo trẻ giải thích: “Sở dĩ nhóm có tên Nụ cười là vì mong muốn nhìn thấy mọi người luôn được hạnh phúc. Quầy quần áo mang tên Shop Nụ cười là để mọi người có cái nhìn khác về việc cho, tặng quần áo. Đây đều là những loại áo quần đã được chọn lọc kĩ, đồ mới hoàn toàn, hoặc giữ được độ mới khoảng 80%, như vậy người nhận sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, họ không gặp phải tâm trạng ái ngại, dè dặt khi dùng đồ cũ của người khác”.

Mỗi đợt “hành quân”, nhóm chuẩn bị đủ các loại nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối, quần áo cùng tiền mặt. Đối tượng của nhóm ngày càng mở rộng địa bàn, từ Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Phước vươn ra đến Lào Cai… Họ là những người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn, người khuyết tật đã được nhóm gởi trao yêu thương.

Thầy Nguyễn Quốc Duy trong một chuyến thiện nguyện
Thầy Nguyễn Quốc Duy trong một chuyến thiện nguyện 

Theo thầy Duy, thông qua các trang mạng xã hội, nhóm kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm hơn, có cả những người tốt bụng sẵn sàng đồng hành với nhóm xuyên suốt hành trình, nhiều năm nay. Các thành viên đi thiện nguyện tự đóng góp tiền túi trang trải chi phí xe cộ, ăn ở trên đường đi. Nhiều mạnh thường quân thấy vậy, cảm thấy “tội” sẵn sàng bao luôn cả nhóm vì nhóm đã quá tốn công tốn sức trong quá trình đi vận động từ thiện, nhưng mọi người đều từ chối. Trải hơn 5 năm, đến nay, thầy Duy không nhớ nổi đã đến bao nhiêu địa điểm, giúp đỡ cho bao nhiêu người, chỉ biết khi nào có người cần giúp đỡ thì khi đó chạy đi vận động và tổ chức trao quà! Thấy được việc làm hữu ích, ý nghĩa của thầy, lực lượng mạnh thường quân thường trực lớn mạnh dần, hiện tại có khoảng 50 người luôn sẵn sàng chung tay với “Nụ cười”.

Ngày càng thực chất

Theo thời gian, những món đồ mà nhóm hỗ trợ, trao tặng cũng phong phú, đa dạng hơn, như ngoài nhu yếu phẩm, thuốc men, tã, sữa, tiền mặt, quần áo… còn có cả váy cưới, gia súc gia cầm và nhà ở. Có khi đồ ủng hộ nhiều đến nỗi phải “mượn” chừng 4 căn nhà người quen để có chỗ chứa. Không chỉ dừng lại ở chuyện cứu giúp, tinh thần nhân văn của hoạt động biểu hiện cao nhất chính là ở phần quà phù hợp, thích ứng cho mỗi hoàn cảnh. Có thời điểm thầy Duy nhận được những bộ… váy cưới, thầy liền mời gọi các bạn trẻ sắp lập gia đình mà không có điều kiện có thể đến mượn, chỉ cần sau đó giặt sạch đem trả là được. Lại có những bạn trẻ tình nguyện đến với nhóm để giúp trang điểm, chụp ảnh, làm cổng hoa tặng cô dâu chú rể; họ cũng lặn lội đường sá vất vả để đến phục vụ như thể cho những vị khách hàng bình thường.

Quầy quần áo tử tế cũng tạo thành tiền lệ tốt, có những shop kinh doanh quần áo đã ủng hộ món hàng tồn kho, hàng bán không chạy vẫn nguyên tem giá. Đã vậy, mỗi lúc có hàng về, “báo hại” người thân trong nhà thầy Duy chừng 5 - 7 người phải phụ nhau gỡ từng nhóm đồ, phân loại từng cái một, cái nào ổn, còn tốt mới đem cho.

Hiện nay, nhóm “Nụ cười” liên tục trao tặng cho 78 hộ là những người già neo đơn suất tiền mặt 500.000 đồng, định kì 5 tuần/lần. Nhóm nhận nuôi 5 trẻ mồ côi (được gửi tại nhà người thân của những em đó), hàng tháng hỗ trợ tiền tã, sữa chu đáo. Mỗi năm tham gia xây dựng kiên cố, hoặc sửa, dựng nhà tiền chế từ 1 - 2 căn cho hộ nghèo. Đi đến đâu, thành viên nào phát hiện được hoàn cảnh đáng thương sẽ báo cho trưởng nhóm lập kế hoạch mời vận động giúp đỡ, do đó hầu như tháng nào nhóm cũng tất bật với công việc thiện nguyện.

Tiền quỹ của nhóm luôn được làm đầy bởi những tấm lòng vàng vì có sự tin tưởng, và đó là danh dự của tôi, là vinh dự của nhóm. Sau này nếu vì lý do nào đó, mọi người không còn đi tiếp với nhóm, một mình tôi vẫn sẽ tự đóng góp, tự vận động như lúc đầu mình đến với người nghèo - Thầy Nguyễn Quốc Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.