Ở nơi mà tất cả mọi thứ vật chất còn thiếu thốn ấy, lại bừng lên tình người, tình thầy trò mộc mạc, chân thành và ấm áp.
Sợ phải xa bọn trẻ
Chúng tôi đến điểm trường Tả Van Mông, sau một cơn mưa tầm tã. Trời vừa hửng, vài tia nắng mỏng manh đùa nghịch bên mấy chậu hoa trước hiên. Lớp học ê a tiếng hát. Và thật ngạc nhiên, người đứng lớp không phải là một cô giáo như chúng tôi nghĩ.
Thầy Đặng Văn Phụng, cao tới hơn mét tám, như người khổng lồ với những cô cậu học trò tí hon. Tiết học do thầy giáo Phụng giảng dạy diễn ra hết sức sôi nổi và hào hứng, với những ánh mắt trong veo, những câu hát còn ngọng nghịu, và với cả nụ cười thường trực trên môi người thầy giáo trẻ. Thầy Phụng rời quê Phú Thọ lên vùng cao Sa Pa đã hơn 7 năm nay.
Từng ấy thời gian gắn bó với lớp học mầm non, đã chuyển qua nhiều điểm trường khó khăn, thầy giáo Phụng đã gạt bỏ được những bỡ ngỡ ban đầu, cũng như cảm giác ngại ngùng khi múa hát với các em nhỏ. Trong suy nghĩ của thầy giáo trẻ, chỉ còn tình yêu thương với những đứa trẻ vùng cao, chỉ còn khát vọng mang hết nhiệt tình, tâm huyết của tuổi trẻ để truyền dạy những kiến thức đầu đời cho các em học sinh.
Thầy Phụng tâm sự: “Những ngày đầu lên vùng cao, em cũng buồn nhiều lắm, buồn vì cô đơn, nhớ nhà. Giờ thì cũng quen rồi, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn buồn, nhưng là bởi sợ có ngày phải xa bọn trẻ. Nhiều người muốn về dưới xuôi, nhưng chắc em sẽ mãi ở đây để dạy học thôi”.
Gian nan
Thầy Thắng trao khăn ấm cho các em học sinh |
Đã có rất nhiều chuyến công tác vùng cao, nhưng con đường lên với điểm trường Lếch Mông B của xã Thanh Kim có lẽ là một ám ảnh đối với chúng tôi. Cung đường nhìn từ xa như con rắn trườn quanh sườn núi. Và lô nhô đá tảng. Sau một hồi loay hoay, “mấy chú ngựa sắt” xem chừng không bò lên đến nơi được, chúng tôi đành đi bộ, dưới cơn mưa lất phất, giữa tiếng sấm đùng đoàng. “Không nhanh chân lên, mưa là khổ đấy. Chẳng có chỗ nào mà trú chân”, câu giục của thầy Sơn, cán bộ Phòng Giáo dục huyện khiến chúng tôi thêm động lực để bước tiếp.
Và quãng đường như “hành xác” ấy khiến chúng tôi thêm cảm phục người thầy giáo trẻ đã 9 năm cắm bản với lớp học mầm non trên đỉnh núi – mà chúng tôi được nghe kể đến trên đoạn đường gian nan ấy. Lúc chúng tôi đến nơi, thầy Lê Văn Thắng đang cùng các em học sinh học tập với mô hình “Con sâu học Toán”.
Những hình ảnh được thầy Thắng vẽ trên nền đất trở thành một công cụ học tập hiệu quả và mang nhiều hứng thú cho các em nhỏ nơi đây. Thầy Thắng chia sẻ: “Ở đây, các bé thiệt thòi nhiều lắm, chẳng được vui chơi như các bạn dưới xuôi. Mình ở đây, vừa dạy học, cũng vừa như cha, như mẹ, làm được gì cho các em thì cố gắng mà làm thôi”.
Thầy Thắng khoe với chúng tôi mấy chiếc khăn, mũ len vừa mới xin được của một đơn vị tài trợ. “Gặp ai mình cũng xin, ai cho cái gì cũng lấy. Ban đầu cũng thấy ngại, nhưng cứ nghĩ đến hai mươi đứa học sinh có thêm áo ấm, giầy ủng, có bánh ăn, sữa uống là mình lại cố gắng thôi”. Hóa ra với thầy Thắng và có lẽ cũng là với nhiều thầy cô giáo vùng cao, nhiệm vụ của họ không chỉ là gian nan cõng chữ lên non.
Không còn những câu chuyện giành giật học trò khỏi lạc hậu như trước kia, ngày nay ở vùng cao Sa Pa dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của các thầy giáo trẻ nơi đây khi biết các cháu nhỏ độ tuổi đến lớp đều được đi học. Chị Sùng Thị Phẩy, ở thôn Lếch Mông B, xã Thanh Kim chia sẻ: “Bà con mình quý thầy giáo lắm. Thầy dạy cho các con mình biết cái chữ, biết ngoan ngoãn nghe lời. Hôm trước mình bận đi gặt không đón con được, thầy Thắng còn đưa mấy đứa về tận nhà cơ đấy!”. Những tình cảm yêu thương của các em học sinh, sự tin yêu của bà con dân bản cũng là động lực để thầy giáo trẻ quyết tâm cắm bản, gieo chữ trồng người.
Chiều dần buông, học sinh lục tục ra về. Thầy Thắng đưa các em ra tận đầu thôn, tay bế, tay dắt, mấy đứa trứng gà trứng vịt, rộn rã như bầy chim non. Cuộc sống nơi đây như chia là hai nửa, một nửa với chất chứa bao nỗi niềm riêng tư, một nửa sôi nổi với lửa nhiệt tình tâm huyết của tuổi thanh xuân. Thầy Phụng, thầy Thắng và những người thầy giáo trẻ, xa quê, xa gia đình cắm bản với bao nhọc nhằn, thoáng buồn kia chẳng làm vơi đi tình yêu, tình thương với những đứa trẻ vùng cao.
“Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần”… Tiếng hát của bầy trẻ thơ vang mãi. Trên đỉnh mờ sương, giữa trập trùng núi mây, những thầy giáo trẻ cắm bản với học trò của mình, đang viết tiếp bài ca ấy, viết tiếp những mơ ước về ngày mai tươi sáng.