Có nên du di?

GD&TĐ - Có một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương về việc quản lý người bệnh tâm thần, đó là cứ du di để họ sống chung với gia đình

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) một lần nữa gửi câu hỏi đến các gia đình đang có người bị bệnh tâm thần và cả chính quyền địa phương, rằng chúng ta có nên du di, trì hoãn trong việc quản lý người bị bệnh tâm thần để rồi rước họa vào mình?

Mới đây, một người đàn ông 46 tuổi tên Nguyễn Thành Sơn ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã dùng cây gỗ đánh vào đầu bà T.H, nhân viên trạm y tế của xã khiến bà H tử vong. Sơn là bệnh nhân, hàng tuần vẫn đến trạm y tế, nơi bà H công tác để nhận thuốc điều trị bệnh tâm thần.

Có lẽ trong một cơn bấn loạn bất chợt, nhớ lại một lần bà H làm Sơn phật ý nào đó khiến Sơn đánh bà chăng? Cũng là đoán thế thôi chứ rất khó để lý giải nguyên nhân dẫn đến việc hành hung của người bị bệnh tâm thần với những người xung quanh.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương và Công an xã Đức Chánh, trước khi xảy ra án mạng, hung thủ cũng đã tấn công nhiều người, trong đó có một người bị thương nặng đến 90%, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Như thế có nghĩa là, vụ giết người này của Sơn không phải là bột phát khiến nạn nhân và cấp chính quyền mất cảnh giác mà đã có “dự báo” nhiều lần trước đó.

Có một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương về việc quản lý người bệnh tâm thần, đó là cứ du di để họ sống chung với gia đình với hy vọng nhờ vào tình thương và sự bao dung của những người ruột thịt mà có thể đưa họ trở về với cuộc sống bình thường. Quan niệm này khiến nhiều gia đình phải trả giá rất đắt bằng cả tính mạng không chỉ một người, mà với nhiều người thân trong một gia đình.

Chắc nhiều người còn nhớ hôm tháng 7/2018, 3 người bị chém chết cùng 9 người khác bị thương bởi một người bị bệnh tâm thần ở xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Vụ mới nhất xảy ra vào chiều 12/7 ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ, Nghệ An). Một người đàn ông bị bệnh tâm thần ở địa phương này vác rựa ra đường gặp ai anh ta cũng chém. Hậu quả là một người chết và 3 người bị thương một cách oan nghiệt.

Có thể dẫn ra đây vô số trường hợp bị chết oan mà thủ phạm là người bị bệnh tâm thần. Một bà mẹ ở Quảng Bình bị con trai tâm thần chém chết, một người anh tâm thần dìm em gái mình xuống bể bơi cho đến chết, một người mẹ bị tâm thần đem ba đứa con nhảy cầu tự tử…

Có hai dạng người tâm thần, một là “vô hại”, chỉ mất kiểm soát hành vi là nói nhảm, la hét, không mặc quần áo và đi lang thang khắp nơi chứ không quậy phá.

Dạng thứ hai thì nhiều lúc tỏ ra không có gì là bất thường cả, thậm chí họ có thể đi lao động như một người bình thường, như trường hợp của Nguyễn Thành Sơn trên đây là anh ta vẫn đi làm thợ hồ.

Việc đi lao động như người bình thường của người bị bệnh tâm thần vô tình “đánh lừa” mọi người, cứ tưởng họ đã khỏi bệnh khiến nhiều người mất cảnh giác, dẫn đến phạm tội trong vô thức.

Có lẽ đã đến lúc chính quyền địa phương cần kiên quyết đưa những ai bị bệnh tâm thần đi điều trị dứt điểm rồi mới được về với gia đình. Về phía người nhà của người bệnh cũng không nên chấp chứa người thân trong nhà nếu người đó vẫn còn bệnh. Chỉ có sự tự giác hợp tác giữa gia đình với chính quyền thì mới mong tránh được những bi kịch từ người bệnh tâm thần như đã xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.