Cần khám, chữa bệnh bắt buộc đối với người bị tâm thần

GD&TĐ - Việc chỉ bắt buộc chữa bệnh tâm thần cho các đối tượng đã gây ra hậu quả mà không điều chỉnh đối với những người có biểu hiện tâm thần hoặc đã xác định bị bệnh tâm thần có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội là chưa hợp lý, thỏa đáng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng người bị bệnh tâm thần liên tiếp gây ra các vụ án kinh hoàng, đau lòng trong thời gian qua.  

Nghiện Game cũng là mọt nguyên nhân dẫn đến bị tâm thần. Ảnh minh họa, theo báo Dân sinh
Nghiện Game cũng là mọt nguyên nhân dẫn đến bị tâm thần. Ảnh minh họa, theo báo Dân sinh

Theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần thì việc bắt buộc chữa bệnh chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Việc chỉ bắt buộc chữa bệnh tâm thần cho các đối tượng đã gây ra hậu quả mà không điều chỉnh đối với những người có biểu hiện tâm thần hoặc đã xác định bị bệnh tâm thần có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội là chưa hợp lý, thỏa đáng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng người bị bệnh tâm thần liên tiếp gây ra các vụ án kinh hoàng, đau lòng trong thời gian qua.

Điển hình như vụ Phù Minh Tuấn sinh năm 1984 ở Hà Giang, nghi phạm đã sát hại bố ruột và 3 người thân trong gia đình có biểu tâm thần. Trước đó, hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra như ở tỉnh Bắc Giang bệnh nhân tâm thần Nguyễn Văn Hùng đã giết anh trai và một phụ nữ hay vụ Vũ Văn Đản là người bị nghi bị bệnh tâm thần đã giết 4 người và làm bị thương nặng 3 người ở Gia Lai... Đã lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người bị bệnh tâm thần sống chung với gia đình hoặc lang thang ngoài xã hội gây nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng cho những người xung quanh.

Ở nước ta người bị bệnh tâm thần sống chung với gia đình hoặc lang thang ngoài xã hội không ai chăm sóc, quản lý là khá phổ biến, đang là mối lo ngại lớn của xã hội. Bởi người bị bệnh tâm thần gần như đã mất khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi nên khả năng gây ra nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng người khác là rất cao.

Trong khi đó, chúng ta chưa có quy định về có trường hợp có các dấu hiệu nguy hiểm thì bắt buộc phải nhập viện điều trị. Bên cạnh đó, chưa có quy định về trách nhiệm của cơ quan, chính quyền, gia đình trong việc tham gia đưa người tâm thần đi điều trị bắt buộc.

Chính vì không có quy định cụ thể về trách nhiệm nên có thể chính quyền địa phương cũng không dám “ép” người tâm thần đi khám, chữa bệnh khi họ tái phát bệnh.

Do nhiều nguyên nhân như vì không nhận thức được hành vi hoặc bị gia đình ruồng bỏ mà những người bị bệnh tâm thần lang thang ngoài xã hội, vô phương, vô thức, rất thương tâm.

Vì không được chăm sóc, chữa bệnh nên bệnh tình của họ ngày càng nặng thêm, đồng nghĩa nguy cơ họ có thể gây nguy hiểm cho xã hội càng cao.

Theo một số chuyên gia thậm chí người bị bệnh tâm thần được chưa trị tốt thì sau khi điều trị khả năng tái phát bệnh lên đến 50% và 25%-30% thỉnh thoảng tái phát. Vì vậy, nếu thực hiện chính sách khám chữa bệnh miễn phí, bắt buộc sẽ giúp người bệnh nhanh chóng ổn định và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn càng cao.

Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện nay việc Nhà nước đầu tư một khoản kinh phí để giúp đỡ, chăm sóc những người bị bệnh tâm thần là điều rất nên làm, như chúng ta đã làm rất tốt với trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tự theo mô hình bảo trợ xã hội.

Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung người bị bệnh tâm thần, người có biểu hiện tâm thần là đối tượng được khám, chữa bệnh bắt buộc và chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí. Điều này không chỉ thể hiện tính chất ưu việt, tôn trọng con người, tất cả vì con người của xã hội chúng ta mà còn đảm bảo sự an toàn xã hội, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do người bị bệnh tâm thần gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ