Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2017, Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số trường hợp có biểu hiện nghi vấn về việc "chạy" bệnh án tâm thần. Đến tháng 6/2018, đường dây này đã dần được hé mở khi một đối tượng bị bắt tại Hà Nội. Đối tượng này được xác định là cầm đầu một ổ nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau.
Khi bị bắt, đối tượng này đã xuất trình bệnh án tâm thần với kết luận bị "Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng". Tuy nhiên, sau khi mở rộng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận đây là bệnh án tâm thần giả, được một Bệnh viện tâm thần tại Hà Nội cung cấp cho đối tượng với giá 85 triệu đồng.
Ngay sau đó, 2 đối tượng là cán bộ và nhân viên của bệnh viện trên đã bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Công an TP Hà Nội xác định trong số hàng chục bệnh án tâm thần, có hơn 50% là bệnh án của các đối tượng hình sự nguy hiểm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, căn cứ vào cách thức, thủ đoạn làm giả, người làm giả xác định có hay không có tội phạm và phạm tội gì:
- Thứ nhất, với người thực hiện hành vi làm giả bệnh án tâm thần là người có chức vụ quyền hạn như giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của những người này sẽ thuộc vào trường hợp phạm tội khi thi hành công vụ, nhiệm vụ. Theo đó, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao.
Hành vi này có thể cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hinh sự 2015 vì “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” . Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại gây ra mà đối tượng phạm tội sẽ được áp dụng khung hình phạt khác nhau, khung hình phạt cao nhất có thể phải chịu là tù từ 10 năm đến 15 năm.
Mặt khác, người thực hiện hành vi làm, cấp giấy tờ- bệnh án tâm thần- giả trên có thể phạm tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 BLHS 2015 với mức phạt cao nhất có thể phải chịu là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Luật sư Thái cho hay, trường hợp người đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được bất kỳ lợi ích nào dù là vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015). Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, mức độ thiệt hại về tài sản gây ra sẽ xác định khung hình phạt mà người phạm tội phải chịu. mức hình phạt cao nhất người nhận hối lộ có thể phải chịu là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
- Thứ hai, trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không có chức vụ, quyền hạn trong quá trình cấp hồ sơ bệnh án tâm thần, họ sẽ không bị định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015).