Cô giáo trẻ dạy dân học chữ miễn phí để thoát nghèo

GD&TĐ - Cô giáo Hà Thủy Lệ Ái (Mèo Vạc, Hà Giang) là một trong những giáo viên với tâm huyết đến những bản vùng sâu, vùng xa để góp phần giúp học sinh, bà con cùng nhau xóa đói nghèo từ việc học chữ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lớp học nhiều độ tuổi

Sinh năm 1986, cô Ái tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Bắc Kạn với mong muốn đóng góp sức mình cho những học sinh ở miền núi khó khăn.

Được bạn rủ lên Mèo Vạc, Hà Giang, chẳng ngại ngần cô Ái nhận lời ngay. Mặc dù trước khi đi, gia đình ngăn cản bởi xa xôi lại khó khăn thì biết trông cậy vào ai. Thế nhưng, lòng đã quyết, nhiệt huyết tuổi trẻ sục sôi, cô Ái xách ba lô lên đường.

Những ngày đầu mới lên, dù tưởng tượng sẽ có những vất vả nhưng cô cũng không nghĩ được rằng mình lại đến một nơi chẳng có đường, chẳng có nước, và hầu hết bà con đều nói tiếng dân tộc Mông.

Chưa kể đến khó khăn trong việc thích nghi nếp sống văn hóa của người bản địa. Thế nhưng, cô Ái lại nghĩ, nhân dân càng khó khăn, cái nghèo còn đeo bám thì các em học sinh còn vất vả. Thế nên, cô càng phải ở lại để giúp các em chắp cánh ước mơ với mong muốn, tương lai sẽ không còn nghèo đói nữa.

Không có đường thì đi lại nhiều sẽ thành đường, không có nước thì đi xách nước từ suối về, bà con ăn rau gì, mình ăn rau nấy, nghĩ như vậy để thêm gắn bó với nơi này, để quên đi vất vả mà sống tốt hơn.

Ban đầu, cũng chỉ nghĩ rằng lên Hà Giang chỉ để dạy học, thế rồi, vì kinh tế khó khăn quá, trình độ dân trí còn thấp, nên cô Ái đã cùng đồng nghiệp của mình ngoài vận động học sinh đến lớp đông đủ, còn nghĩ cách làm sao để đời sống nhân dân khá hơn, giảm cái đói cái nghèo đeo bám.

Trằn trọc nhiều đêm, cô Ái nhận ra thế mạnh của mình là dạy học, mà truyền tải kiến thức, cung cấp thông tin cũng chính là cách mở mang đầu óc giúp người dân hiểu biết hơn, nắm bắt được cách làm ăn, hiểu biết pháp luật, biết tính toán khi đi chợ, kinh doanh để có thêm thu nhập.

Nói là làm, cô Ái không chỉ đến từng hộ gia đình vận động cha mẹ cho các con đến trường mà còn bày tỏ mong muốn được thành lập lớp học buổi tối dành cho người lớn để học chữ.

Lớp học này hoàn toàn miễn phí và dành cho các đối tượng chưa biết chữ. Ban đầu, bà con cho rằng đi nương, đi rẫy trồng rau cần gì biết chữ, ở nhà ngủ thôi. Thế nhưng, nhờ sự kiên trì của cô giáo Hà Thủy Lệ Ái và đồng nghiệp, cùng với sự tư vấn của chính quyền, lớp học chữ đầu tiên đã được thành lập với 10 học viên.

Dạy học sinh đã khó, dạy bố mẹ các em còn khó hơn, nhưng các cô không nản lòng.

Lớp học ban đầu chưa đều, nhiều hôm học viên nghỉ với nhiều lý do. Cô Ái lại nghĩ cần phải tạo không khí sôi nổi thu hút bà con hơn. Thế là trước khi vào lớp lúc nào cũng phải hát múa 1 bài, rồi chia sẻ những câu chuyện vui về chuyện trồng lúa, trỉa ngô,…

Thấy đến lớp vui vẻ, nhiều người rủ nhau đến hơn. Thậm chí, học viên học tốt còn được phần thưởng nên thu hút nhiều người học hơn.

Xin báo cũ về cho dân đọc

Sau dần, cô Ái phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của việc biết đọc, biết viết. Nó không chỉ giúp mọi người đọc báo, tìm hiểu thông tin để làm ăn kinh tế, mà còn biết đọc thông tin của các sản phẩm mua ngoài chợ. Nhiều bà con đã biết đọc hạn sử dụng, cách dùng sản phẩm.

Thấy việc biết chữ  thú vị và lợi ích, học viên đăng ký học lớp miễn phí ngày càng đông hơn. Tối đến, sau bữa ăn, trên con đường mòn hàng ngày vốn tối om, giờ rộn ràng tiếng gọi nhau đi học. Các bà, các anh mỗi người một độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung lớp học.

Khi học viên biết mặt chữ, cô Ái thường vào các đồn biên phòng xin báo cũ về cho lớp học của mình. Ở đây, người dân không chỉ được nghe kể chuyện, được đứng lên đọc một bài báo trôi chảy mà còn hiểu hơn về kiến thức pháp luật, tránh bị xúi giục, lôi kéo hay bị lừa gạt. Thậm chí, trên mỗi thông tin, bà con còn học được kinh nghiệm làm giàu từ nông nghiệp, cùng chia sẻ cho nhau kiến thức được đọc, được học.

Đặc biệt nhất, việc biết đọc chữ đã được ứng dụng vào cuộc sống ngày một nhiều. Kể cả khi bón phân đạm, chăn nuôi gia súc, bà con biết đọc cách sử dụng thuốc, cám, thức ăn chăn nuôi,…rồi biết cần phải tránh cái gì để không bị bệnh, chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn.

Có chị chia sẻ, mất thời gian khá lâu chị mới biết đọc, bởi giờ trí nhớ không tốt nên học lâu hơn, nhưng từ khi biết đọc, chị đã biết xem  bản đồ, không bị đi lạc đường khi lên thị xã, cũng hiểu biết nhiều hơn khi đọc báo, nghe đài nên không sợ bị người xấu lợi dụng người dân tộc nữa.

Từ việc nhỏ là biết chữ, bà con nhân dân ở Mèo Vạc cùng bảo ban nhau làm ăn và ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt. Không chỉ biết chữ dạy con học bài, các hộ gia đình như được cập nhật nhiều kiến thức hơn, cái nghèo cái đói cũng dần xóa mờ dần khi trình độ dân trí đã cao hơn dù chỉ là một chút.

Cô Ái thiết nghĩ, tùy vào thế mạnh của mỗi người để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, với cô dạy chữ cho bà con cũng là cách để nâng cao đời sống của bà con ở miền núi còn nhiều khó khăn này.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.