Chuyện về nữ cán bộ xã mải làm việc quên chuyện cá nhân

GD&TĐ - Mải mê công việc, đem lại những đổi mới sáng tạo làm giàu cho bà con nhưng bản thân chưa lập gia đình, cô gái nhỏ nhắn Lê Thị Hương là cô gái duy nhất trong Dự án 600 vẫn còn "vườn không nhà trống".

Nữ cán bộ xã mải làm việc quên chuyện cá nhân Lê Thị Hương trong buổi hội nghị tổng kết Dự án 600 tri thức trẻ.
Nữ cán bộ xã mải làm việc quên chuyện cá nhân Lê Thị Hương trong buổi hội nghị tổng kết Dự án 600 tri thức trẻ.

Dự án 600 tri thức trẻ là Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo.

Ngược núi bằng lý tưởng của...bố

Tình yêu mãnh liệt với mảnh đất, con người Nặm Ét (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), với sự say mê công việc đến lạ kỳ, đến quên cả hạnh phúc cá nhân, câu chuyện của Lê Thị Hương khiến nhiều người khâm phục.

Lê Thị Hương sinh ra và lớn lên ở Vụ Bản, Nam Định trong một gia đình có 3 anh chị em.

Năm ấy, theo lời khuyên của bố, Hương tham gia dự tuyển Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Thời gian đầu, Hương không khỏi tâm tư khi bản thân cô đã có việc làm ở một công ty, vào Dự án đi vùng sâu, vùng xa, tiếng nói dân tộc không biết, văn hóa không hiểu, biết xoay xở thế nào?

Lý tưởng sống của người chiến sĩ thời chiến, cộng với hoài niệm về những tháng ngày công tác tại Sơn La mà tuổi già không cho phép ông trở lại mảnh đất này nên ông quyết tâm cho con gái út lên đây, để viết tiếp câu chuyện thời trai trẻ của mình, để được nối mạch thời gian cho những đổi thay của đất và người Sơn La. Theo lời bố, cô gái út từ miền đồng bằng ngược núi.

Với phần bảo vệ xuất sắc, Lê Thị Hương trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Ét. Đây là một trong ba xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, đồng thời là xã đầu tiên thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Trong quá trình công tác tại xã, Hương luôn suy nghĩ trăn trở tìm những giải pháp giúp nhân dân thực hiện cải tiến phát triển sản xuất như chuyển đổi các giống vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế cao , đưa giống mới vào sản xuất, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất. 

Hương thường xuyên đi các bản tìm hiểu điều kiện tự nhiên, những thuận lợi, khó khăn của xã, tìm hiểu phong tục, tập quán canh tác từng dân tộc, thực hiện “4 cùng” với người dân, chủ động học tiếng địa phương, tìm hiểu các nét văn hóa của từng dân tộc và cùng tham gia lao động sản xuất.

Ngoài ra, Hương còn tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người dân 12 bản thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tận dụng hơn 650 ha diện tích mặt nước lòng hồ và nguồn thức ăn tại chỗ (cá tạp, ngô sắn, thức ăn xanh) chuyển đổi sang nghề nuôi cá lồng với sản phẩm cá sạch.

Năm 2013- 2014, Hương đã triển khai 36 mô hình sản xuất (nuôi cá lồng, gà lai mía, dê Bách Thảo, lợn lai…), được nhân dân hưởng ứng và nhân rộng.

Năm 2015 các hộ nuôi cá lồng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, có vốn đầu tư phát triển. Đến nay người dân đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất với kết cấu lồng hiện đại (sử dụng phi, khung sắt thay thế tre nứa) và các con giống có giá trị kinh tế cao (cá lăng, ba ba), hình thành 2 hình thức tổ chức sản xuất (Hợp tác xã thủy sản Liệp Muội và Hợp tác xã khu Huổi Pao). Tổng số lồng cá trên địa bàn đã là 300 lồng, trong đó số lồng hộ gia đình cá nhân là 120 lồng, số lồng hoạt động Hợp tác xã là 180 lồng.

Nghề nuôi cá lồng đã giúp giải quyết về vấn đề tạo việc làm cho người dân ven vùng tái định cư, cung cấp nguồn thực phẩm cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho người dân (tăng trung bình 35 triệu đồng/hộ).

Áp dụng phương pháp sản xuất mới, đời sống nhân dân Nặm Ét từng bước được cải thiện, bắt đầu xuất hiện một số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Trải nghiệm từ vùng đất khó

Kỷ niệm mà cô gái này nhớ mãi có lẽ là một đêm lũ về. Mùa hè năm 2013, một mình cô ở khu tập thể trường học, cả trường đang nghỉ hè, xung quanh không có ai, cách đó 400m mới có nhà dân. Lũ cuốn đổ hết tường bao, xe máy của cô cũng bị cuốn theo lũ.

Chính sự trải nghiệm trên vùng đất khó khăn này cộng thêm với tình cảm bà con dành cho cô đã giúp cô thêm dũng khí, tình yêu thương. Sự đồng cảm với những khó khăn của bà con nơi đây đã tạo tinh thần nhiệt huyết giúp cô bước tiếp con đường đã chọn.

Với mong muốn giúp nhân dân xã Nặm Ét cũng như nhân dân 11 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai thoát nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Hương đã tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá lồng cho 44 hợp tác xã. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.000 lồng cá đang nuôi, chủ yếu là cá lăng, nheo, trắm.

Say sưa kể về công việc, về đất và người Sơn La, nhưng khi nói đến chuyện lập gia đình, Hương lại trùng xuống.Dù nhiều khi say mê công việc đến quên cả hạnh phúc cá nhân, nhưng trong Hương vẫn thăm thẳm một nỗi buồn khi nhớ tới cha mẹ già, tâm tư trước lời nhắc nhở của gia đình.

Với những nỗ lực của bản thân, từ tháng 10/2015, Lê Thị Hương đã được bố trí làm công chức Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai, phụ trách tham mưu lĩnh vực thủy sản, nhưng hễ có cơ hội, Hương lại về Nặm Ét, nơi đã cho Hương những trải nghiệm khi chập chững bước vào đời.

Tháng 3/2017, huyện thành lập Tổ tư vấn thủy sản, Hương được phân công làm Tổ phó, có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn về công tác phòng trừ bệnh cũng như cơ cấu thành bộ máy hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cho người dân để họ có năng lực quản trị, quản lý tài chính cũng như hiệu quả sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.