Dấu ấn đề án 600 trí thức trẻ về xã nghèo

GD&TĐ - Trong quá trình thực hiện Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” nay là 64 huyện, các đội viên dự án đã chủ động tham mưu cho chủ tịch xã, lãnh đạo địa phương triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa tại địa phương, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, thành công rõ nét, được chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Dấu ấn đề án 600 trí thức trẻ về xã nghèo

Hướng dẫn nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả

Bí thư Huyện ủy Tương Dương (Nghệ An) Phạm Trọng Hoàng cho biết, hiện toàn huyện Tương Dương có 12 trí thức trẻ tham gia công tác tại các xã, các đội viên của Dự án 600 trí thức trẻ về địa phương, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất của người dân được triển khai tích cực hơn. Các trí thức trẻ đều kiên trì, chịu khó bám dân, bám đất, bám ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình khảo nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá trên lòng hồ.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trong những năm gần đây của các xã mang đậm dấu ấn của các tri thức trẻ, như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn tại các xã Thạch Giám, Tam Thái, Yên Hoà...

Đội ngũ trí thức trẻ đã có sự trưởng thành rõ nét trong công tác tham mưu cho Đảng ủy và tham gia công tác quản lý, điều hành của chính quyền; nhiều phó chủ tịch UBND thuộc Dự án được cấp ủy, chính quyền xã phân công chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác lớn và khó của địa phương.

Minh Hoá là huyện miền núi biên giới ở phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Nơi đây đã có 11 đội viên dự án được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Qua hơn 4 năm thực hiện nhiệm vụ, các đội viên Dự án đã tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền thực hiện một số mô hình, đề án có hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm khẳng định, dự án đã góp phần tích cực phát triển kinh tế của huyện ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp từng bước được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân; chương trình phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế có hiệu quả, đời sống của nhân dân toàn huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo của địa phương có nhiều đổi thay, tiến bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,57%/năm...

Ghi nhận và tiếp tục bố trí sử dụng

Theo Ban Quản lý Dự án, quá trình tham gia Dự án, các đội viên đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND xã trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đồng tình và ghi nhận.

Hầu hết các đội viên của Dự án đã phát huy được trình độ, năng lực chuyên môn; tích cực tham gia xây dựng, tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, chăn nuôi của nhân dân địa phương.

Ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Dự án đánh giá, Dự án đã thành công khi tất cả các đội viên đã làm tròn vai trò Phó Chủ tịch xã, không phụ công tin tưởng của Đảng và Nhà nước. Ban Quản lý dự án cũng đồng thời ghi nhận tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của trí thức trẻ trong quá trình thực hiện Dự án tại các xã nghèo, từ đó tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chế độ, chính sách cụ thể, phù hợp hơn trong thời gian tới, góp phần giúp các địa phương thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cũng theo ông Minh, việc bố trí, sử dụng trí thức trẻ trong và sau khi kết thúc thời gian thí điểm sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng ủy nhân dân tỉnh đang thực hiện thí điểm, có trách nhiệm bố trí hợp lý...

Có 580 đội viên của Dự án được Bộ Nội vụ tuyển chọn. Hầu hết đội viên là người địa phương, với 497/580 người. Về việc thực hiện nhiệm vụ, có 537/562 đội viên (chiếm 95,55%) được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.