Nữ trí thức trẻ đem giống lúa Séng cù đến Bản Xen

GD&TĐ -Ninh Thị Kim Thảo là một trong 60 đội viên tiêu biểu của Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 64 huyện nghèo. Sau 5 năm công tác tại xã Bản Xen (Mường Khương,Lào Cai), chị đã thành công với mô hình cánh đồng một giống lúa Séng cù, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng khó này.

Chị Ninh Thị Kim Thảo
Chị Ninh Thị Kim Thảo

Không chấp nhận Phó chủ tịch xã là nữ

Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, Ninh Thị Kim Thảo (sinh năm 1989) “đầu quân” về vùng khó khăn công tác theo Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã).

Chị Thảo chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã mạnh dạn viết đơn tình nguyện xin tham gia dự án 600 Tri thức trẻ. Ban đầu cũng khó khăn vì gia đình không ai đồng ý, thế nhưng, với mong muốn được thử thách bản thân, tôi chỉ mong sao được đóng góp sức trẻ của mình cho cộng đồng và nhất là đem những gì học được đến với bà con nhân dân vùng khó.

Năm 2012, Ninh Thị Kim Thảo nhận công tác tại Bản Xen- một xã vùng thấp của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có 12 đồng bào dân tộc sinh sống. Chấp nhận đến môi trường mới xa gia đình, xa người thân, chị Thảo vẫn hồi hộp khi nhận quyết định lên đường.

Thời gian đầu mới về địa phương, Bản Xen là một xã có trình độ dân trí rất thấp, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều người cũng không đồng ý để một sinh viên trẻ mới ra trường làm cán bộ xã, lại là một cô gái. Đó là thời gian chị Thảo nỗ lực nhất để không chỉ giúp bà con, mà còn vượt qua chính mình.

Chăm chỉ làm việc, nắm bắt tình hình và thân thiện, bà con nhân dân dường như càng yêu quý thêm cô gái trẻ làm cán bộ xã. Hằng ngày, cô đến tận từng hộ dân để tìm hiểu về đời sống tình cảm, tâm tư nguyện vọng và sinh hoạt của từng gia đình. Hiểu được như cầu kiếm sống và làm giàu của bà con nhưng vẫn còn bế tắc bởi bao nhiêu năm vẫn chỉ làm nương mà không khá lên được, chị trăn trở rồi lại lao vào tìm hiểu, nghiên cứu. Tình cảm của mọi người dành cho chị ngày một nhiều hơn, giờ họ còn coi chị như người con của Bản Xen, như người thân trong gia đình.

Đưa giống lúa mới về Bản Xen

Sau thời gian học hỏi, chị quyết tâm đưa giống lúa mới Séng cù vào sản xuất nông nghiệp với mong muốn được nâng cao năng suất lao động. Thế nhưng, hiểu được rằng đổi mới không thể làm ngay được mà cần nắm bắt được tình hình, điều kiện và tâm nguyện của nhân dân, cho đến năm 2016, chị mới thực hiện được ý tưởng của mình.

Tình cảm của bà con trong bản dành cho Thảo ngày một nhiều hơn. Họ coi Thảo như người con của Bản Xen, như người thân trong gia đình. 

Ban đầu, Phó chủ tịch xã Ninh Thị Kim Thảo đề xuất với lãnh đạo xã cho trồng thử nghiệm để xem xét. Sau khi thấy giống lúa mới đem lại sản lượng cao, nhân dân trong vùng bắt đầu trồng đại trà.

Từ ngày đưa giống lúa Séng cù vào sản xuất nông nghiệp, cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ ở Bản Xen đã có nhiều chuyển biến rõ nét, từng bước hình thành vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Không chỉ ở Bản Xen mà giống lúa mới cho năng suất cao này còn được nhân rộng ở nhiều cánh đồng lớn của huyện Mường Khương.

Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên, năng suất và sản lượng lúa tại cánh đồng một giống tăng 25%, đem lại giá trị kinh tế từ 90-100 triệu đồng/10ha/vụ, tiết kiệm được chi phí sản xuất cho người dân. Không chỉ phát triển kinh tế bởi mô hình cánh đồng lúa Séng cù, Ninh Thị Kim Thảo còn đưa đến cho bà con mô hình liên kết sản xuất ớt Mường Khương đạt 128 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 2,5 lần so với trồng ngô, lúa, trở thành sản phẩm hàng hóa tương ớt có thương hiệu tại Lào Cai.

Hiện, xã Bản Xen mở rộng diện tích lúa Séng cù lên 25 ha trong vụ sản xuất 2017. Được học trong môi trường Đại học Lâm nghiệp, chị quyết không để uống phí những kiến thức thu được và đem truyền lại cho nhân dân vùng khó. Chị tích cực tham mưu triển khai các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng và năng suất vật nuôi, góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Mô hình sản xuất cánh đồng một giống lúa Séng cù tại xã Bản Xen đã ghi dấu ấn thành công của Ninh Thị Kim Thảo. Ngay năm đầu tiên (2016), với việc phát triển mô hình kinh tế này, chị đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương là một trong 45 "Cán bộ công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc". Mới đây, chị là một trong 60 đội viên tiêu biểu của Dự án 600 Tri thức trẻ được Bộ nội vụ và Trung ương Đoàn tuyên dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ