(GD&TĐ) - Được mở ra từ ngày 2/3/2013, đến nay Diễn đàn Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013 do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của bạn đọc là các chuyên gia tuyển sinh, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh, người sử dụng lao động... Thành công lớn nhất của diễn đàn là tạo được không khí dân chủ trong góp ý xây dựng chính sách, giúp các nhà hoạch định có cái nhìn tổng quan về dư luận xã hội, để từ đó giải quyết bài toán điểm sàn trong tuyển sinh CĐ, ĐH 2013 một cách đơn giản, khoa học và nhận được nhiều đồng thuận.
Thống kê của Ban thư ký diễn đàn cho thấy, trong số nhiều ý kiến gửi đến tòa soạn tham gia diễn đàn, có đến 88% ý kiến khẳng định rõ: Không nên bỏ điểm sàn, vì nếu bỏ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo. Khoảng 12% ý kiến đề nghị nên bỏ điểm sàn, để cho các trường tự chủ phương án điểm tuyển sinh. Từ ý kiến chi tiết của độc giả, có thể thấy nổi bật lên 4 vấn đề sau:
Điểm sàn là một điều kiện để giữ chất lượng giáo dục ĐH
Tham gia nhóm ý kiến này, chiếm số đông là độc giả đang giảng dạy, quản lí ở các trường ĐH, CĐ; quản lí nhân sự các công ty và đáng chú ý là có cả lãnh đạo một số trường quốc tế, phụ huynh... GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Cho đến nay, tôi không tin rằng đầu vào không có ý nghĩa quyết định. Điều kiện, phương thức đào tạo của mình còn kém và phần lớn các trường ĐH của mình không có sự sàng lọc sinh viên. Vào bao nhiêu ra bấy nhiêu! Luận văn tốt nghiệp nào cũng điểm 9 điểm 10, làm sao có chất lượng? Thực tế đã có nhiều đơn vị sử dụng lao động chê sản phẩm của các trường ĐH, CĐ trong nước, đặc biệt là các trường ngoài công lập”.
Mặc dù ĐH Quốc tế Việt -Đức được giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh theo tiêu chuẩn Đức. Thế nhưng, khi nói về điểm sàn, TS Hà Thúc Viên - Hiệu phó - vẫn khẳng định: “Điểm sàn nên được tính là năng lực tối thiểu của học sinh để học ĐH. Nếu chỉ tính điểm sàn dựa trên việc để cho các trường có nguồn tuyển thì chẳng lẽ đến một lúc nào đó một học sinh thi 3 môn được 3 điểm cũng có thể học ĐH sao?”.
Thí sinh thảo luận kết quả bài thi. Ảnh: Minh Hòa |
Người dân có con đi học cũng không muốn bỏ điểm sàn, vì e ngại chất lượng, và xa hơn, là vấn đề việc làm khi ra trường. Ông Phạm Minh Trung (phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, Nghệ An) cảnh báo: Dưới 10 điểm tổng của 3 môn thi thì khó lòng mà tiếp thu nổi kiến thức. Các trường đừng vì mình, đừng vì lợi ích nhóm mà hãy vì sinh viên. Truyền thông đưa tin Nghệ An có 12.000, Đà Nẵng có 18.000 người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp lên đến thạc sĩ chưa có việc làm. Một sự thiệt hại cả về kinh tế lẫn tinh thần không hề nhỏ”.
Điểm sàn góp phần nâng cao ý thức học tập của học sinh phổ thông
Luồng ý kiến này tập trung ở nhóm độc giả là hiệu trưởng, giáo viên, học sinh các trường phổ thông, trong đó, nhiều nhất là ý kiến của học sinh, sinh viên. Theo nhóm độc giả này, nếu bỏ điểm sàn, cho các trường tự xét tuyển thì không loại trừ việc một số trường top dưới sẵn sàng nhận thí sinh điểm rất thấp vào học. Học, thi chơi chơi mà cũng vào ĐH được thì sẽ làm mất đi ý thức phấn đấu của HS. “Đừng vì chỉ tiêu của một vài trường mà hạ điểm sàn, như thế là đi ngược lại với định hướng, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông” - Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất ý kiến.
Ở góc độ một sinh viên, Lê Hải Anh - năm nhất hệ cao đẳng khoa Du lịch (ĐH Văn hóa Hà Nội) bày tỏ: “Không có điểm sàn nữa, nghĩa là học sinh học giỏi hay kém đều có cơ hội được vào đại học. Như vậy họ sẽ không còn cố gắng để đạt được đến điểm sàn, không có động lực để học nữa”. Nguyễn Quỳnh Như (Lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM) nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không xây dựng điểm sàn, bỏ lỏng đầu vào điều đó sẽ gây nên sự bất công, tính ỷ lại và cả sự thiếu quyết tâm cho các bạn học sinh”.
Bỏ điểm sàn không thể cứu được các trường kém chất lượng
Trao đổi với luồng ý kiến đề nghị bỏ điểm sàn, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH để cứu các trường ngoài công lập vào thời điểm hiện nay, nhiều độc giả khẳng định rõ, vấn đề tuyển không đủ chỉ tiêu của các trường ngoài công lập không hẳn nằm ở vấn đề giữ hay bỏ điểm sàn. TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội - cho rằng: “Thực ra “điểm sàn” cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến các trường khó khăn trong tuyển sinh, và chưa hẳn đây đã phải là nguyên nhân chính. Thực tế là không ít thí sinh có điểm trên sàn, nhưng vì không trúng tuyển vào các trường theo nguyện vọng nên các em chờ năm sau thi lại. Thêm nữa, việc có quá nhiều trường ĐH, CĐ và trong đó không ít trường điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đủ nên không tạo được sức hút đối với người học. Rồi còn việc chính các nhà trường đang tự cạnh tranh nhau khi mở quá nhiều ngành học trùng lặp trong từng tỉnh, thành, khu vực. Điều này cũng khiến bão hòa nhu cầu học và khan hiếm nguồn tuyển.”
Để giải quyết vấn đề nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập, phải bắt đầu từ vấn đề chất lượng của các trường. “Nhiều thí sinh dư điểm vào một trường ngoài công lập hay một ngành nào đó của trường công, nhưng vẫn không theo học mà đợi để được học ngành, trường mình yêu thích. Chỉ có chất lượng của các trường mới giải quyết được vấn đề đủ hay thiếu nguồn tuyển” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM góp ý.
Tự chủ tuyển sinh, cần lộ trình
Bài toán trước mắt chưa thể bỏ điểm sàn, chưa thể “tự chủ tuyển sinh” như thiểu số ý kiến, nhưng có thể nói, những ý kiến thiểu số này vẫn cần được xem xét, và cần được xem như một hướng đi đúng trong tương lai, phù hợp với Luật Giáo dục ĐH vừa có hiệu lực. Mặc dù khẳng định trong điều kiện hiện nay, khi thi “ba chung” vẫn tiến hành, điểm sàn vẫn cần thiết nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết vẫn khẳng định: “Về lâu về dài, Bộ GD&ĐT nên giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường để họ chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về sản phẩm đào tạo của mình.”
Báo Giáo dục và Thời đại xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc đã dành nhiều tâm sức, quan tâm gửi bài đến diễn đàn. Một số bài viết chưa đăng kịp trong diễn đàn lần này sẽ được tòa soạn tính toán sử dụng trong những số báo phù hợp. Tất cả những ý kiến đóng góp của bạn đọc đều được Ban Biên tập ghi nhận và chuyển đến Bộ GD&ĐT như một nguồn thông tin tham khảo trong xây dựng chính sách. Lãnh đạo ngành GD&ĐT sẽ nghiên cứu chắt lọc để lựa chọn phương án xác định điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳng một cách khoa học, hợp lý, được xã hội đồng tình, áp dụng từ mùa tuyển sinh 2013. |
Bạn đọc Hoàng Thu Hà (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) mặc dù tán thành phương án điểm sàn nhưng cũng lưu ý: Về lâu dài, theo tôi cũng nên tính đến phương án để các trường tự tuyển sinh. Muốn vậy, Bộ GD&ĐT phải siết chặt đầu ra. Cần có một bộ tiêu chí và cách kiểm định để đánh giá chất lượng giáo dục ở các trường để tránh tình trạng vào bao nhiêu ra bấy nhiêu hoặc chất lượng đầu vào thấp nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp toàn khá, giỏi. Với quan điểm lấy điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ phổ thông cũng là một cách làm được nhiều nước áp dụng (trừ trường danh tiếng có thể siết chặt chất lượng từ đầu vào). Nhưng với cách làm này thì chất lượng giáo dục phổ thông phải được kiểm soát chặt.
Về lâu dài là bao giờ và điều kiện như thế nào là chín muồi cho việc bỏ điểm sàn, tự chủ tuyển sinh? PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM thận trọng: “Luật Giáo dục ĐH và chủ trương phân cấp các trường của Bộ Giáo dục & Đào tạo là một chủ trương đúng, nhất là trong việc xác định mức độ ưu tiên đầu tư. Việc này vẫn chưa thể tiến hành nên chúng ta vẫn chưa thể “phân cấp” các trường ĐH…” và thời điểm khi nào có thể là… “khi chúng ta đưa ra được cách thức tuyển sinh mới, khi các ĐH được chủ động hoàn toàn trong việc tuyển sinh và người học có được các thông tin tin cậy để lựa chọn nghề nghiệp hơn là tâm lý cứ vào đại học cái đã như của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay.”
Nhóm P.V