Các chuyên gia, cơ sở giáo dục đại học ủng hộ những thay đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non; trong đó có đề xuất giảm tỷ lệ xét tuyển sớm.
Tạo tâm lý chủ quan
Nhất trí cao với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non (dự thảo), bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, những điểm mới của dự thảo Thông tư tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm.
Bà Vương Hương Giang viện dẫn, những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất cả nước với tỷ lệ nhập học ngày càng tăng. Năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học vào các trường là 52.529/92.464 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 56,81%. Năm 2023, số thí sinh đã xác nhận nhập học là 69.540/98.208 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 70,81%. Năm 2024, tính đến nay, số thí sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào các trường là 107.127 em.
Qua nghiên cứu dự thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhất trí cao với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Bà Vương Hương Giang cho biết, những năm qua khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận thấy một số tồn tại như: Với mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm hồ sơ để nộp vào nhiều cơ sở đào tạo. Tình trạng này dẫn đến các trường THPT mất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho học sinh, trong khi đây là thời gian cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh có tâm lý chỉ cần đạt đủ điểm tốt nghiệp THPT, không tiếp tục ôn tập. Điều này vô hình trung ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và tâm lý ôn tập của thí sinh khác. Vì thế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và điểm chuẩn trúng tuyển như trong dự thảo sẽ đảm bảo công bằng giữa các thí sinh trong những đợt xét tuyển, giảm được được tồn tại nêu trên.
Bà Vương Hương Giang cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Có như vậy mới đảm bảo đánh giá kiến thức trong toàn cấp THPT, tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Đề xuất bỏ xét tuyển sớm
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường Đại học FPT khẳng định, những gì Bộ GD&ĐT đã thực hiện và sửa đổi quy chế tuyển sinh trong những năm qua đều vì mục đích nâng cao chất lượng (cả tuyển sinh và giáo dục phổ thông).
Trân trọng và ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT để phục vụ mục tiêu chung, TS Lê Trường Tùng ủng hộ những thay đổi trong dự thảo, đồng thời cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay là, nhìn nhận lại hệ thống tuyển sinh hiện tại và xem xét những sửa đổi sao cho khả thi và phù hợp. Theo đó, các trường cần quy định rõ hơn về xét tuyển sớm, chỉ được thông báo trúng tuyển sớm sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo không gây xáo trộn quá trình học tập, không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi THPT.
Góp ý về xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính nhìn nhận, khi các trường đại học đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều. Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12 nên các em không tập trung học trong học kỳ II của lớp 12.
Từ thực trạng nêu trên, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng đề nghị, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, việc học sinh lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ học những môn học để thi ở THPT sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quá trình học đại học sau này. Vì thế, TS Võ Thanh Hải ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, đồng thời cần siết chặt các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.
Hướng tới minh bạch, công bằng và chất lượng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, khi sửa đổi các văn bản, Bộ đều dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn. Qua quá trình triển khai Quy chế tuyển sinh, Bộ luôn theo dõi và lắng nghe ý kiến các chuyên gia, người trong cuộc trực tiếp tuyển sinh đào tạo các trường, sở, quản lý giáo dục…
“Điều chỉnh Quy chế tuyển sinh phải dựa trên những quy tắc công bằng, chất lượng; đồng thời nâng cao hiệu quả và tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm trao đổi thẳng thắn, cởi mở, có sự tham gia khoảng 50 chuyên gia - những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học và những người có kinh nghiệm nhiều năm (10 - 20 năm) trong công tác này. Thứ trưởng cho hay, ý kiến của các chuyên gia, người trong cuộc đều đồng thuận với dự thảo của Bộ GD&ĐT bám theo nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả.
Trao đổi về tác động của dự thảo theo nguyên tắc trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, xuất phát điểm của việc xét tuyển sớm cách đây khoảng 6 - 7 năm. Trước kia, xét tuyển chung sau khi học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2017, một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ THPT và thành tích khác của học sinh. Giống như cuộc “chạy đua”, khi một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể “đứng yên”.
Tất cả cùng vất vả, cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển. Còn học sinh lớp 12 đôn đáo lo có được các chứng chỉ, làm hồ sơ. Thầy, cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh. Tuy vất vả nhưng Thứ trưởng cho rằng, hiệu quả mang lại không cao. Cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển (trong xét tuyển sớm) thì có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì 1 em nhập học.
Khi xét tuyển sớm mỗi trường làm một cách độc lập và Bộ GD&ĐT ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc xây dựng Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung để có thể lựa chọn nguyện vọng vào các trường, ngành học. Từ đây, xuất hiện tình trạng trúng tuyển ảo, với tỷ lệ cao. Tỷ lệ chung là vậy nhưng với từng trường, ngành học không thể dự đoán được tỷ lệ ảo là bao nhiêu. Điều này dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu; càng nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm càng yên tâm.
Cũng theo Thứ trưởng, vì xét tuyển sớm, thí sinh chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã xét tuyển nên tạo ra sự không công bằng. Những học sinh có điều kiện có thể học sớm, học trước để hoàn thành chương trình học kỳ I nhưng hầu hết phải đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình lớp 12. Như vậy, điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập của học sinh là không đồng đều, tạo ra sự bất công trong quá trình tuyển sinh.
Ngoài ra, xét tuyển sớm tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông. Nhiều em có tâm lý: Đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều học sinh vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển và không tập trung vào học toàn diện. Các em chỉ học những môn thực sự cần thiết cho đào tạo sau này, dẫn đến chất lượng đào tạo đại học không như ý vì các em không chuẩn bị nền tảng tốt.
Thứ trưởng cho hay, hầu hết chuyên gia, người trong cuộc đồng thuận với dự thảo này, thậm chí có nhiều đại biểu đề nghị bỏ xét tuyển sớm. “Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, có nên để 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt”, Thứ trưởng trao đổi và chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… của các trường.
Khi đó, các trường chỉ xem xét điểm của học sinh. Thí sinh cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng xét tuyển. Các em cũng không phải làm gì nhiều, không phải nộp hồ sơ qua đường giấy, không phải đến từng trường, chỉ lựa chọn đúng ngành, trường trên hệ thống nhờ chuyển đổi số toàn diện. Qua đó, tạo thuận lợi và hiệu quả cho tất cả, hướng tới nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng và thuận tiện.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người trong cuộc để điều chỉnh quy chế tuyển sinh. Khi giảm tỷ lệ xét tuyển sớm, chỉ những học sinh thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.