Khẳng định tính cấp thiết của việc triển khai “bình dân học vụ số” và vai trò trung tâm của ngành Giáo dục, PGS. TS Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH CMC cho rằng, ngành Giáo dục cần phát động phong trào thi đua kêu gọi tập thể, cá nhân cùng chung tay xây dựng xã hội học tập vì tương lai số.
Nhiệm vụ cấp bách
- Trong phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo nhân dịp 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa nhiệm vụ: Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”, phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân. PGS nghĩ sao về sự cần thiết, tính cấp thiết của việc phát động phong trào này?
Trước đây, phong trào “Bình dân học vụ” đã giúp Việt Nam xóa nạn mù chữ, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho hàng triệu người dân và đặt nền móng cho giáo dục phổ thông. Kế thừa tinh thần này, phong trào “bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho toàn dân, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, lao động phổ thông dân vùng sâu, xa dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số. Đây không chỉ là giải pháp cần thiết mà còn mang tính cấp bách trong bối cảnh công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu của mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đối mặt với sự chênh lệch lớn về trình độ công nghệ giữa thành thị và nông thôn, miền núi. Nhiều người dân chưa được trang bị kỹ năng cơ bản về công nghệ số, dẫn đến không thể tận dụng các dịch vụ công trực tuyến hay cơ hội kinh tế từ nền tảng số. Điều này không chỉ làm gia tăng bất bình đẳng mà còn làm chậm bước tiến của cả quốc gia trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Phong trào “bình dân học vụ số” cần được triển khai khẩn trương, nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn then chốt của chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phong trào này không chỉ mang ý nghĩa xóa “mù công nghệ” mà còn xây dựng nền tảng cho một lực lượng lao động số sẵn sàng thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên số.
Đây là bước đi cấp thiết giúp giảm khoảng cách số giữa các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vươn lên mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu. Tương lai số đến từ con người số.
- Theo PGS, ngành Giáo dục có vai trò như thế nào trong triển khai “bình dân học vụ số”?
Ngành Giáo dục giữ vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phong trào “bình dân học vụ số,” đóng góp quyết định từ khâu xây dựng nội dung, tổ chức triển khai đến giám sát hiệu quả. Trước hết, ngành cần thiết kế các chương trình đào tạo dễ tiếp cận, tập trung vào việc trang bị kỹ năng số thiết yếu như sử dụng công nghệ cơ bản, nhận thức an toàn số, khai thác trí tuệ nhân tạo, và ứng dụng các nền tảng số trong sinh hoạt và lao động. Việc đào tạo giáo viên chuyên trách và huy động đội ngũ tình nguyện viên có năng lực về công nghệ để lan tỏa kiến thức đến vùng sâu, xa là nhiệm vụ then chốt.
Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến miễn phí hoặc với chi phí thấp, đảm bảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, đều có cơ hội tiếp cận tri thức số.
Sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và doanh nghiệp công nghệ sẽ giúp cung cấp tài nguyên, thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để phong trào được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc giám sát và cải tiến chương trình đào tạo liên tục sẽ đảm bảo phong trào không chỉ góp phần xóa “mù công nghệ” mà còn nâng cao năng lực số của người dân, tương lai số đến từ con người số.
Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh toàn dân của phong trào “Bình dân học vụ”
- Từ thực tiễn, PGS nhìn nhận thế nào về thuận lợi, khó khăn của ngành Giáo dục khi triển khai “bình dân học vụ số”?
Việc triển khai phong trào “bình dân học vụ số” mang đến cả thuận lợi lẫn khó khăn cho ngành Giáo dục. Về thuận lợi, hạ tầng công nghệ ngày càng hoàn thiện cùng sự phổ biến của các nền tảng học tập trực tuyến tạo điều kiện dễ dàng để tiếp cận và triển khai.
Đội ngũ giảng viên, chuyên gia CNTT chất lượng cao cùng sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn luôn đồng hành với ngành Giáo dục như Tập đoàn CMC, Viettel, VNPT... là nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ phong trào. Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ các chính sách quốc gia và nhu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực số trong xã hội càng củng cố nền tảng triển khai.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn và thách thức phải đối mặt; chẳng hạn chênh lệch hạ tầng công nghệ, hạ tầng viễn thông giữa các vùng miền, thiếu hụt đội ngũ nhân lực chuyên trách, kỹ năng số chưa đồng đều gây khó khăn lớn cho công tác đào tạo công nghệ số, đặc biệt đối với người dân lớn tuổi.
Việc thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng có trình độ khác nhau cũng là thách thức lớn. Ngoài ra, các trường học và cơ sở đào tạo vẫn gặp hạn chế về nguồn lực, thiếu kinh phí và nhân lực để triển khai các chương trình chuyển đổi số trên quy mô lớn.
- PGS có đề xuất gì để triển khai hiệu quả “bình dân học vụ số” trong ngành Giáo dục?
Tôi nghĩ, ngành Giáo dục có thể phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh toàn dân của phong trào “bình dân học vụ” năm 1945 với công cụ là các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, YouTube, TikTok, và Zalo, nguyên liệu là các video hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung tương tác trực tiếp.
Việc đầu tiên, ngành Giáo dục cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức số cho đội ngũ giáo viên; bổ sung, tăng tỷ trọng nội dung số trong chương trình dạy học các cấp. Đồng thời, cần cung cấp và phát triển các nền tảng học tập trực tuyến miễn phí hoặc chi phí thấp như MOOC, ứng dụng học tập trên di động, và các chatbot giáo dục có thể giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, lao động phổ thông đến người lớn tuổi, dễ dàng tiếp cận kỹ năng số mọi lúc, mọi nơi.
Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư hạ tầng công nghệ, hạ tầng viễn thông, trang thiết bị và công cụ số phục vụ giảng dạy và học tập, Nhà nước cần phân bổ khoản ngân sách nhất định để ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ trên.
Bộ GD&ĐT nên huy động các trường đại học có thế mạnh về công nghệ như Đại học Bách Khoa Hà nội, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học FPT, Trường Đại học CMC,.. tham gia xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức số và nâng cao năng lực, kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên. Cuối cùng, ngành Giáo dục cần phát động phong trào thi đua kêu gọi tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành cùng chung tay xây dựng xã hội học tập vì tương lai số.
- Xin cảm ơn PGS!
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Khung năng lực số cho người học là một hệ thống mô tả các kỹ năng và kiến thức cần thiết để người học có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả trong học tập, công việc và cuộc sống; giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa. Khung năng lực số cho người học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng số cho học sinh, sinh viên và người lao động.