Chính thức bàn giao 5 trường chuyên biệt từ Bộ GD&ĐT về Ủy ban Dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 8/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham dự lễ bàn giao 5 trường chuyên biệt về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký kết bàn giao 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký kết bàn giao 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc.

Đã chuẩn bị kỹ các khâu

Cùng chủ trì lễ bàn giao với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; ông Nông Quốc Tuấn - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đại diện một số cục, vụ liên quan của Bộ GD&ĐT.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) đã công bố Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 5 trường chuyên biệt gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc - sẽ chuyển từ Bộ GD&ĐT về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn.

Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn.

Nội dung bàn giao nguyên trạng các trường chuyên biệt từ Bộ GD&ĐT về Ủy ban Dân tộc. Các đơn vị chức năng liên quan của Bộ GD&ĐT phối hợp với đơn vị chức năng liên quan của Ủy ban Dân tộc và các trường chuyên biệt theo từng lĩnh vực công việc cụ thể. Trong đó có công tác tài chính tài sản, công tác chuyên môn đào tạo và các công tác khác theo quy định.

Ủy ban Dân tộc tiếp nhận nguyên trạng các trường chuyên biệt từ Bộ GD&ĐT. Các đơn vị chức năng liên quan của Ủy ban Dân tộc phối hợp với đơn vị chức năng liên quan của Bộ GD&ĐT và các trường chuyên biệt theo từng lĩnh vực công việc cụ thể.

Các trường chuyên biệt chịu trách nhiệm về báo cáo các mặt công tác. Phối hợp với các đơn vị chức năng nếu phát sinh những vấn đề vướng mắc. Các trường chuyên biệt được sử dụng con dấu hiện hành cho đến khi có con dấu mới được ban hành từ cơ quan chức năng.

Chăm lo cho giáo dục dân tộc

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ bàn giao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ bàn giao.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là sự kiện quan trọng đối với 5 trường chuyên biệt, Bộ GD&ĐT cũng như Ủy ban Dân tộc. Từ đầu năm 2021 cho đến nay, việc triển khai Quyết định 1292 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển một số trường chuyên biệt từ Bộ GD&ĐT về Ủy ban Dân tộc được thực hiện rất chặt chẽ. Mục tiêu vì sự phát triển của các trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát các yếu tố liên quan để hoàn thành các thủ tục cần thiết. Đây là mốc thời gian quan trọng cho một chặng đường mới trong bối cảnh mới của 5 trường chuyên biệt. Qua khảo sát thực tế và nắm bắt tình hình tại các nhà trường, giáo dục dân tộc là mảng rất quan trọng cần được chú trọng thời gian sắp tới.

"Khi đổi mới giáo dục, tăng cường xã hội hóa và đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn thì nguy cơ bất bình đẳng về giáo dục sẽ có xu hướng gia tăng. Trong thời gian tới khi Đảng, Nhà nước quan tâm đến giáo dục dân tộc, các trường cần xác định vai trò của mình trong việc đảm bảo công bằng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực và phát triển nhu cầu được học tập của con em đồng bào dân tộc cần thực hiện tốt hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, dù 5 trường có trực thuộc Bộ GD&ĐT hay Ủy ban Dân tộc thì cả hai Bộ đều sẽ chăm lo, quan tâm tới các trường chuyên biệt. Từ nay, Ủy ban Dân tộc sẽ là cơ quan chủ quản 5 trường chuyên biệt về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn vẫn là Bộ GD&ĐT.

"Về phía cấp ủy Đảng 5 trường cần tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên. Lãnh đạo các đơn vị phải là người thông tư tưởng đầu tiên để có những đề xuất phù hợp phát triển đơn vị. Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp tối đa với Ủy ban Dân tộc bàn giao cụ thể để tạo mọi điều kiện tốt đẹp cho các trường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thêm.

Tạo mọi điều kiện cho các trường

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh tới vai trò phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh tới vai trò phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ sự cảm ơn tới Bộ GD&ĐT, các trường chuyên biệt cùng các ban ngành Trung ương trong việc tiếp nhận các trường theo Quyết định 1127 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ chính trị và cũng là bước ngoặt mới của Ủy ban Dân tộc cũng như các trường. Cả hai Bộ đều đã có các bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo và không làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các trường chuyên biệt.

Kinh nghiệm quản lý và tổ chức bộ máy khi từ con số hơn 500 người lên mấy nghìn con người nên cũng có phần lo lắng. Trong quá trình hình thành và phát triển, các trường luôn nhận được sự ưu tiên của Nhà nước. Các trường có sự đóng góp không nhỏ vào công tác giáo dục dân tộc của đất nước, đào tạo ra nhiều cán bộ cốt cán của hệ thống chính trị. Các em học sinh có thể tự hào về ngôi trường của mình.

"Với tư cách của cơ quan tiếp nhận, chúng tôi xin cam kết với Bộ GD&ĐT, các nhà trường, sẽ thực hiện tốt nhất vai trò quản lý của mình, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, các địa phương để đảm bảo các trường có thể phát huy có được nhiều thành tựu mới. Công tác bàn giao sẽ không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các trường" - ông Hầu A Lềnh nói.

Các đại biểu tham dự lễ bàn giao chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.

Các đại biểu tham dự lễ bàn giao chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.

Ngoài ra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, bộ máy để quản lý các trường học cũng đang dần hoàn thiện. Ông mong Bộ GD&ĐT chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Ủy ban Dân tộc trong quá trình tiếp quản, điều hành các trường. Ông Hầu A Lềnh cũng bày tỏ mong muốn chính quyền các địa phương tạo điều kiện để các trường ổn định, phát triển và có điều kiện tốt nhất để phát triển nhà trường như công tác Đảng, các hoạt động chuyên môn.

Thay mặt cho 5 trường chuyên biệt, thầy Tuấn Anh đến từ Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc cùng các bộ ngành Trung ương trong việc chăm lo cho phát triển giáo dục dân tộc. Lễ bàn giao là mốc thời gian đặc biệt trong sự phát triển của các nhà trường trong bước đường tiếp theo. Các nhà trường sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

"Với các trường, tôi mong lãnh đạo nhà trường duy trì hoạt động như hiện nay. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, phối hợp chặt chẽ với các vụ cục của Ủy ban Dân tộc; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nếu có. Với các vụ, cục của Ủy ban Dân tộc phối hợp với các vụ, cục của Bộ GD&ĐT để bàn giao các nội dung liên quan, tham mưu phối hợp với các địa phương để hỗ trợ các trường hoạt động một cách bình thường...", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ