Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban Dân tộc ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025

GD&TĐ - Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tiếp tục ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đại diện hai cơ quan kí kết chương trình phối hợp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đại diện hai cơ quan kí kết chương trình phối hợp.

Chiều 28/10, Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018-2021 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Cùng dự, về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đại các đơn vị thuộc Bộ.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Thanh Nhàn, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2018- 2021 đã đạt được nhiều kết quả; từ việc chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc liên quan đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo; đến phối hợp về công tác thống kê, thông tin, tuyên truyền chính sách dân tộc; công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Hai bên đã phối hợp rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc nói chung, chính sách phát triển giáo dục-đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Cùng với đó, tích cực cho ý kiến góp ý kịp thời, đảm bảo chất lượng nhiều dự thảo văn bản của hai cơ quan, góp phần nhanh chóng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp xây dựng và sửa đổi 2 Luật, 7 Nghị định; xây dựng báo cáo và các văn bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện chính sách giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, từ năm 2019 đến nay đã tích cực phối hợp xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021- 2030; rà soát, tích hợp các chính sách phát triển giáo dục dân tộc vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030…

Một trong những hoạt động phối hợp hiệu quả giữa hai bên là tổ chức Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu xuất sắc. Từ 2018 đến năm 2020, đã có 431 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương. Qua đó, tôn vinh những tấm gương con em các dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện; khuyến khích phong trào thi đua học tập của học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.

Cùng hoạt động này, trong 2 năm 2019, 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đều có hoạt động phối hợp tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” để tuyên dương giáo viên là người dân tộc thiểu số/dạy ở vùng dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Trong giai đoạn tới, ông Hoàng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc đã thống nhất Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

Nội dung phối hợp gồm: Công tác chỉ đạo thực hiện, rà soát, đề xuất chính sách dân tộc; Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phối hợp về công tác thống kê, thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về giáo dục dân tộc; sơ kết, tổng kết Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan và một số nội dung khác.

Hai cơ quan thống nhất tổ chức đánh giá việc thực hiện chương trình phối hợp công tác hằng năm và triển khai chương trình phối hợp công tác năm tới; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025.

Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018-2021 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018-2021 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 3 năm hợp tác; đồng thời đều khẳng định việc kí kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc là hết sức cần thiết.

Chia sẻ về tầm quan trọng của công tác giáo dục dân tộc, cả hai Bộ trưởng mong muốn hai bên cùng triển khai sớm và triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu trong chương trình phối hợp. Ngoài các hoạt động chung đã thống nhất, các đơn vị chuyên môn của hai cơ quan thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất các giải pháp tổ chức kế hoạch phối hợp để tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan nâng cao hiệu quả công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.