Dưới đây là những chia sẻ của cô Trần Thị Mỹ Tâm về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ôn thi tốt nghiệp tại Trường THPT Quyết Thắng.
Phân chia đối tượng học sinh lớp 12 theo học lực
Căn cứ vào kết quả xếp loại học lực của lớp 11 và kết quả khảo sát chất lượng đầu năm của lớp 12, nhà trường đã tiến hành phân chia đối tượng học sinh vào các lớp sao cho năng lực nhận thức của học sinh trong một lớp tương đối đồng đều nhau.
Sau đó, thực hiện tiến hành phụ đạo 8 môn văn hóa cơ bản cho học sinh lớp 12 theo đối tượng ngay từ đầu năm học.
Học sinh được chọn giáo viên ôn thi tốt nghiệp
Xác định tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là mục tiêu trọng tâm của nhà trường, nên ngay từ đầu tháng Ba, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến của học sinh khối 12 về năng lực sư phạm của các giáo viên đang dạy 8 môn văn hóa cơ bản.
Kết quả thăm dò là cơ sở tham khảo để từ đó Ban giám hiệu có những giải pháp về đội ngũ giáo viên ôn thi tốt nghiệp.
Để đi đến quyết định cử giáo viên nào ôn thi tốt nghiệp, ôn cho lớp nào, Ban giám hiệu còn tham khảo từ các nguồn thông tin khác như: Từ bản thân giáo viên giảng dạy, phụ huynh học sinh, tổ nhóm chuyên môn,… để từ đó có những quyết định đúng đắn kịp thời.
Khi nguồn giáo viên của trường không đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng ôn thi của học sinh trong trường, Ban Giám hiệu chủ động lên kế hoạch liên hệ với các đơn vị trường bạn trên địa bàn để mời giáo viên đến ôn thi.
Ví dụ: Năm học 2009 – 2010, nhà trường đã liên hệ mời giáo viên môn Toán của Trường Lê Quý Đôn; năm học 2010 – 2011, liên hệ giáo viên môn Địa trường PTDT Nội trú Tỉnh; năm học 2011- 2012, liên hệ giáo viên môn Sử, Hóa trường Lê Quý Đôn, môn Địa lý trường PTDT Nội trú tỉnh đến ôn thi cho học sinh của trường.
Trong 3 năm qua, những giải pháp về đội ngũ giáo viên trực tiếp ôn thi tốt nghiệp cho học sinh luôn được Ban giám hiệu quan tâm và đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo lên chất lượng thi tốt nghiệp của nhà trường trong những năm qua.
Lập kế hoạch ôn thi đối với giáo viên giảng dạy
Việc lập kế hoạch ôn thi tốt nghiệp của giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo tiến hành từ học kỳ I và chi tiết cụ thể vào tháng 3 với cả 8 môn văn hóa cơ bản, nên ngay sau khi có thông báo 6 môn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, nhà trường có thể cho 6 môn đó thực hiện kế hoạch ngay tránh tình trạng khi biết môn thi rồi mới lập kế hoạch thì sẽ không kịp thời trong công tác ôn thi.
Việc lập kế hoạch ôn thi của từng môn được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo bám sát từng đối tượng học sinh đã được phân chia theo lớp, theo nhóm.
Giáo viên căn cứ vào đối tượng học sinh để đăng ký số tiết ôn tập của từng môn. Cơ số tiết ôn tập được đăng ký sao cho phù hợp với năng lực nhận thức của từng loại đối tượng.
Cụ thể, với đối tượng học sinh học lệch: Đây là nhóm học sinh mà có những môn học sinh có thể đạt điểm số cao nhưng có môn lực học lại rất yếu khó đạt được tới điểm 5.
Với nhóm học sinh này, nhà trường chỉ đạo giáo viên giảm cơ số tiết đối với những môn mà các em học yếu, chỉ dạy cơ số tiết đảm bảo với những đơn vị kiến thức cơ bản để các em có thể đạt khoảng 3 – 3,5 điểm.
Đồng thời, tăng cơ số tiết ôn tập đối với những môn mà các em có thể đạt điểm số cao từ 7- 8 điểm trở lên. Giải pháp này sẽ tạo cho học sinh một tâm thế học tập thoải mái, tránh gò ép mà kết quả vẫn đạt được như mong muốn.
Cơ số tiết ôn tập dành cho những học sinh học khá các môn tự nhiên để đạt được điểm cao sẽ nhiều hơn, các môn xã hội sẽ được bố trí ít tiết hơn.
Ngược lại, cơ số tiết ôn tập dành cho những học sinh học khá các môn xã hội để đạt được điểm cao sẽ nhiều hơn, các môn tự nhiên sẽ được bố trí ít tiết hơn
Với đối tượng học sinh yếu: Đây là nhóm học sinh mà nhà trường phải đầu tư nhiều công sức và thời gian nhất bởi đa số học sinh của nhóm này nằm ở giới hạn có thể trượt tốt nghiệp.
Với nhóm học sinh này, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên lên kế hoạch ôn tập sát với lực học thực tế của học sinh. Cơ số tiết ôn tập của từng môn đối với nhóm học sinh này chỉ dùng để dạy những kiến thức cơ bản để giúp các em đạt được từ 4,5 - 5 điểm trên một môn.
Những đơn vị kiến thức đó sẽ được giáo viên dạy đi dạy lại nhiều lần để giúp học sinh nắm được kiến thức và kỹ năng cơ bản để khi vào phòng thi có thể đạt được điểm số như mong muốn.
Đối với nhóm học sinh có lực học trung bình, khá: Lên kế hoạch chủ yếu là ôn tập lại và nâng cao kiến thức để các em có thể đỗ tốt nghiệp loại khá.
Lập kế hoạch ôn tập với học sinh
Việc lập kế hoạch ôn thi không chỉ thực hiện đối với giáo viên mà với học sinh cũng cần có kế hoạch ôn thi của mình.
Cụ thể, nhà trường yêu cầu từng học sinh căn cứ vào lực học của mình để đăng ký dự kiến điểm thi tốt nghiệp của từng môn. Với bản đăng ký điểm này học sinh sẽ có kế hoạch ôn tập cụ thể, phân phối thời gian hợp lý cho từng môn học để đạt được kết quả tốt nhất.
Thực hiện kiểm tra chất lượng ôn thi theo từng giai đoạn
Những năm trước, quá trình ôn thi được nhà trường chia làm 3 giai đoạn: Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng năm, và 3 tuần cuối của tháng 5.
Sau mỗi giai đoạn BGH nhà trường chỉ đạo tiến hành khảo sát chất lượng ôn thi. Việc kiểm tra khảo sát được thực hiện nghiêm túc để đánh giá thực chất được lực học của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy, học và đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả trong quá trình ôn thi.
Tạo tâm thế tốt cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi
Ngoài việc trau dồi cho học sinh lượng kiến thức cơ bản để tham gia thi tốt nghiệp thì nhà trường cùng với các tổ chức đoàn thể và hội phụ huynh còn tạo cho các em một tâm thế tốt trước khi bước vào phòng thi bằng việc động viên khích lệ các em. Phân tích cho các em thấy đây là một kỳ thi quan trọng nhưng sẽ không quá nhiều áp lực nếu chúng ta chuẩn bị tốt.
Đồng thời nhà trường tổ chức cho các em học tập quy chế thi thật nghiêm túc để tránh tình trạng các em bỡ ngỡ, mắc lỗi khi bước vào phòng thi.
vậy trong quá trình tham gia thi tốt nghiệp học sinh đã có tâm lý thoải mái và không có học sinh nào vi phạm quy chế thi đó cũng là một yếu tố tạo nên sự thành công của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng tốt nghiệp hàng năm.