Học sinh tự tin, phấn khởi ôn thi tại trường

GD&TĐ - Bằng nhiều chiêu thức khác nhau nhằm thu hút học sinh tham gia vào các lớp luyện thi đại học cũng như luyện thi THPT quốc gia 2015, tuy nhiên, hầu hết các trung tâm luyện thi ĐH, CĐ trên địa bàn TP Đà Nẵng hoạt động khá yên ắng.

HS tự tin với chương trình ôn tập theo định hướng mới
HS tự tin với chương trình ôn tập theo định hướng mới

Trong khi đó, phụ huynh, học sinh lại tỏ ra yên tâm với cách thức tổ chức ôn tập theo chương trình sách giáo khoa, vừa bám sát cấu trúc bộ đề thi minh họa tại nhà trường.

Hết thời… lò luyện thi!

Trong vai phụ huynh học sinh lớp 12, chúng tôi đến Trung tâm luyện thi Lê Sơn (số 467 Trần Cao Vân, phường Xuân Hà, Thanh Khê) tìm hiểu hoạt động tổ chức luyện thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều trung tâm khác trên địa bàn Đà Nẵng, trung tâm luyện thi này không chiêu sinh đủ số lượng học sinh để mở lớp ôn luyện, đành “ngậm ngùi” giới thiệu sang các lớp dạy kèm cá nhân.

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một cơ sở dạy kèm nằm sâu trong một con hẻm trên đường Trần Cao Vân cách Trung tâm luyện thi Lê Sơn không xa. Cơ sở này chỉ có vỏn vẹn 3 học sinh ngồi học dưới sự hướng dẫn của một giáo viên.

Giáo viên này cho hay, hiện tại cơ sở có số lượng học sinh ít nên ngoài thời gian học các buổi liên tục trong tuần thì người học có thể đến học bất cứ lúc nào và sẽ được giáo viên tận tình hướng dẫn nhưng học phí chỉ có 800.000 đồng/môn/tháng.

Tình hình tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân (số 701, Trần Cao Vân) cũng không khá hơn là bao. Nhân viên ghi danh tại đây cho biết, hiện tại trung tâm chỉ có 2 lớp luyện thi môn Ngữ văn (1 lớp 10 học sinh và 1 lớp 6 học sinh) nên có thể đăng ký học lớp nào cũng được.

Riêng lớp luyện thi môn Địa lý mới có 8 người học, còn đối với môn Lịch sử chưa mở được lớp vì chưa có em nào đăng ký.

Mặc dù để thu hút học sinh đến luyện thi, bên cạnh việc tổ chức luyện thi, các trung tâm này còn tổ chức các hoạt động giới thiệu, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ và định hướng chọn ngành nghề, khối thi.

Theo đó, ngoài việc tổ chức ôn luyện cho học sinh theo các bộ đề thi do giáo viên phụ trách bộ môn biên soạn, trung tâm này còn tổ chức luyện thi theo cấu trúc bộ đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Để thu hút số lượng chiêu sinh, trung tâm này còn tổ chức các lớp luyện thi thành nhiều đối tượng khác nhau, với các mức học phí khác nhau.

Cụ thể tại các lớp luyện thi trung hạn dành cho học sinh khối 12 muốn xét tuyển vào ĐH, CĐ, với các nội dung tổng hợp như: Ôn luyện lấy lại kiến thức, rèn luyện nâng cao, luyện kỹ năng tổng hợp, phương pháp làm bài, luyện giải đề thi mẫu theo cấu trúc mới nhất của Bộ GD&ĐT…

Hay các lớp luyện thi THPT quốc gia dành cho học sinh chỉ có mục tiêu thi đậu tốt nghiệp.

Tin tưởng định hướng ôn tập của nhà trường

Phụ huynh, học sinh không còn tha thiết với việc ôn luyện tại các trung tâm luyện thi là một thực tế đáng ghi nhận trước kỳ thi năm nay.

Theo đó, học sinh hiện đang ôn luyện tại các trung tâm đều có chung tâm trạng lo lắng và hoài nghi về phương pháp ôn luyện theo hình thức tập trung giải các bộ đề thi mà các giáo viên trung tâm tổng hợp, biên soạn lại trên cơ sở các đề thi những năm trước.

Em Lê Huy Đức – Học sinh đang luyện thi tại một trung tâm trên đường Trần Cao Vân, bày tỏ: Sau thời gian luyện thi tại trung tâm và trải qua 1 kỳ thi thử, với kết quả đạt 22,5 điểm, nhưng đó là kết quả của bài thi với cấu trúc đề thi cũ do giáo viên tổng hợp biên soạn lại.

Chính vì điều đó, em thật sự cảm thấy lo lắng khi tìm hiểu bộ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT mới công bố có cấu trúc và cách thức, dạng câu hỏi có phần khác xa so với những bộ đề do giáo viên biên soạn, cho ôn luyện ở trung tâm.

Nỗi lo lắng của Lê Huy Đức cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh đang tham gia luyện thi tại các trung tâm, bởi hầu hết các học sinh cho rằng, việc vào trung tâm luyện thi chỉ mang tính chất giải tỏa tâm lý và áp lực trước những thông tin về đổi mới cách thức cũng như cấu trúc đề thi năm 2015 sẽ khác so với những kỳ thi trước.

Sau nhiều ngày “loay hoay” cố tìm cho mình một trung tâm luyện thi thật sự có chất lượng nhưng với tình hình tổ chức ôn luyện như hiện nay em Phan Thị Ly Na (quê xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cảm thấy các trung tâm luyện thi không còn là nơi để em gửi niềm tin và tiền bạc.

Em giãi bày: “Những ngày qua, em đã đến nhiều trung tâm luyện thi tìm hiểu, cả về đội ngũ giáo viên, cả về phương pháp luyện thi… Tuy nhiên, đến thời điểm này em vẫn chưa quyết định chọn trung tâm nào để gửi gắm niềm tin vì mỗi nơi tổ chức ôn luyện mỗi khác, người trực tiếp ôn luyện cũng có nhiều đối tượng khác nhau, có người là giáo viên về hưu, có người là sinh viên vừa tốt nghiệp…

Trong khi đó, chi phí mỗi môn học cũng không phải là thấp. Cho nên, em nghĩ, liệu ôn luyện như vậy thật sự có ích cho mình không? Hay là trở về nhà tự ôn luyện rồi nhờ thầy cô dạy phổ thông mình kèm cặp, hướng dẫn?”.

Khác hẳn tâm lý của các học sinh là thí sinh tự do đang ôn luyện tại các trung tâm luyện thi, em Nguyễn Văn Tuấn – Học sinh Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ: Cũng như nhiều bạn trong lớp, em nghĩ sau khi kết thúc chương trình học sẽ vừa tham gia ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ ở trường, vừa đến trung tâm luyện thi để ôn luyện.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong lớp em cũng như nhiều bạn khác đã không còn ý nghĩ đó; bởi vì, với cách thức tổ chức ôn luyện tại trường em cảm thấy rất yên tâm, nhất là kể từ khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa, em được các giáo viên bộ môn trong trường hướng dẫn và định hướng ôn tập một cách rất hiệu quả.

Thực sự đến giờ phút này, em cảm thấy rất yên tâm và tự tin, tâm trạng luôn sẵn sàng để bước vào Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ, với mục tiêu đạt kết quả cao nhất.

Những năm trước đây, đường Trần Cao Vân là một trong những con đường có số lượng tập trung các trung tâm luyện thi ĐH, CĐ nhiều nhất thành phố Đà Nẵng, nhưng đến nay, chỉ còn khoảng trên dưới 10 trung tâm còn hoạt động. Trong đó, chỉ có một vài trung tâm có số lượng người luyện thi, số còn lại hoạt động cầm chừng theo kiểu trung tâm môi giới “dạy thêm, học thêm”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ