Hạnh phúc của người thầy là những điều giản dị
Qua nhiều năm làm công tác giảng dạy, thầy Trần Liên Quang, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, nhận thấy hạnh phúc của nhà giáo là những điều rất bình dị, đơn giản. Đó có thể là mỗi ngày đến trường được nhìn thấy những gương mặt hồn nhiên, rạng ngời với niềm say mê học tập của học trò. Đôi khi, một cử chỉ nhỏ thể hiện thái độ yêu mến thầy cô của trò cũng khiến thầy cô xúc động, cảm thấy ấm lòng, có thể trôi đi những mệt nhọc, áp lực trong cuộc sống.
“Bên cạnh các em, chúng tôi như được trở về với thời thơ ấu đầy ắp kỉ niệm. Và hơn hết, hạnh phúc lớn nhất của nghề giáo là thấy học trò của mình ngày một trưởng thành hơn, đỗ đạt và trở thành công dân có ích cho xã hội… Vì thế, dù cuộc sống thanh bần, còn lắm bộn bề lo toan, nhưng người thầy nào cũng có thể tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và động lực trong nghề nghiệp bởi hạnh phúc của người thầy vốn dĩ xuất phát từ những điều đơn sơ, mộc mạc mà thấm đượm những chân tình” - thầy Trần Quang Liên chia sẻ.
Hơn 20 năm trong nghề dạy học, cô Nguyễn Thị Nhuận, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên luôn yêu nghề, luôn thấy mình đã lựa chọn đúng và luôn hạnh phúc với công việc dạy học của mình.
Mỗi người có quan niệm hạnh phúc khác nhau về công việc, với cô Nguyễn Thị Nhuận, hạnh phúc của nghề dạy học chính là ngày ngày được đến trường, được gặp những đồng nghiệp thân thiện; được nhìn thấy những gương mặt HS thân yêu; được truyền lại những gì mình đã học, đã biết; được chứng kiến sự nỗ lực từng ngày của học trò, góp phần trong sự thành công của các em sau này, cũng là góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
“Tôi thấy mình luôn vui vẻ, trẻ trung hơn mỗi ngày khi tiếp xúc với các em và dạy học cũng giúp tôi tự bồi bổ thêm kiến thức, hoàn thiện bản thân về nhiều mặt trong cuộc sống. Nhiều lúc bước trên các nẻo đường, bất chợt nghe tiếng “em chào cô” của trò cũ mà lòng cảm thấy lâng lâng bởi học trò còn nhớ mình. Những hạnh phúc không tên, âm thầm đó như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng tôi. Và, đó chính là hạnh phúc của người thầy khi chọn nghề dạy học. Hạnh phúc đó không phải là những gì lớn lao mà từ chính từ những điều giản đơn trong cuộc sống với công việc của mình” - cô Nguyễn Thị Nhuận tâm sự.
Hạnh phúc từ tình yêu nghề
Với cô Lê Thị Quyên, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, để trở thành giáo viên hạnh phúc và có thể lan tỏa niềm hạnh phúc cho HS, mỗi giáo viên cần yêu nghề, tận tụy với nghề. Dù còn nhiều khó khăn với đồng lương chưa cao, song phải luôn gắn bó, xác định rõ việc dạy học và giáo dục - một công việc rất đặc biệt với “đối tượng lao động” là con người.
Cùng với đó là rèn luyện sức khỏe bản thân, luôn sống tích cực, vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống. Có kế hoạch làm việc rõ ràng để luôn chủ động với công việc, giúp sắp xếp và tổ chức các công việc theo trình tự, đảm bảo các công việc được hoàn thành tốt hơn.
Tự tin vào giá trị của bản thân và không ngừng bồi đắp cho trí tuệ tâm hồn bản thân bằng việc thường xuyên tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng làm mới mình, tích cực tìm tòi, học hỏi, cập nhật các kiến thức, kĩ năng mới.
Luôn trăn trở suy nghĩ tìm hướng đi mới cho từng bài giảng, mỗi khi soạn giáo án luôn đặt câu hỏi làm thế nào để truyền được cảm hứng cho HS, làm thế nào tốt nhất cho HS, từ việc lựa chọn phương pháp đến việc lựa chọn các hình ảnh, video minh họa cho từng đơn vị kiến thức sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao.
Cô Lê Thị Quyên cũng nhấn mạnh đến giáo dục bằng tình yêu thương với việc luôn sẻ chia, luôn lắng nghe; luôn nở nụ cười; tăng khen, giảm chê; tôn trọng và tin tưởng HS; bao dung, độ lượng, kiên trì với những HS chậm tiến bộ và đặc biệt với các HS cá biệt.
Trước câu hỏi thầy cô phải làm gì để được hạnh phúc với công việc của mình, thầy Trần Liên Quang cho rằng, câu trả lời nằm trong chính mỗi người thầy.
“Người thầy muốn hạnh phúc thì trước tiên phải làm cho học trò của mình hạnh phúc, phải sẵn sàng đem niềm vui đến cho học trò của mình”. Nêu quan điểm này, thầy Quang đồng thời nhấn mạnh điều mà mỗi người thầy có thể tự mình thay đổi được ngay bây giờ để tìm được hạnh phúc, là chính bản thân mình.
Người thầy sẽ tìm được hạnh phúc khi biết rõ mình là ai, mình cần gì, sẽ làm gì và thay đổi những gì. Chẳng hạn, đứng trước những khó khăn hay nghèo khó, những áp lực nghề nghiệp, đôi khi người thầy phải biết sống chậm lại để thấy bao người còn khổ sở hơn mình, để biết trân trọng những gì mình đang có, để tìm thấy nguồn vui ngay trong từng trang giáo án và những gương mặt trò ngoan.
Theo cô Nguyễn Thị Nhuận, để thấy hạnh phúc trong công việc dạy học của mình, với nghề giáo không phải là một sớm một chiều; nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức đối với mỗi thầy giáo, cô giáo.
Có những lúc người thầy sẽ thấy buồn khi gặp phải những HS “cá tính”, những em học hành chểnh mảng, ham chơi hơn ham học, gặp những áp lực trong cuộc sống,... Đòi hỏi người thầy cần phải có lòng yêu nghề, say mê với nghề là phẩm chất quan trọng của mỗi giáo viên, quyết định mọi thành công của nghề dạy học.
Đặc biệt khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, có nơi, có lúc lòng yêu nghề, mến trẻ, đạo đức nghề nghiệp bị xem nhẹ, đòi hỏi mỗi giờ lên lớp người dạy phải gạt bỏ mọi suy nghĩ, lo toan trong cuộc sống trước khi vào lớp; luôn nghĩ HS là ngọn lửa cần thổi lên chứ không được nghĩ HS là chiếc bình để đổ đầy.
Người thầy cũng cần đặt mình vào HS để đặt ra câu hỏi và đề cao cảm nhận cá nhân của các em. Luôn tìm tòi, vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học phù hợp với bài học, với đối tượng học nhằm khơi gợi sự hứng thú, sáng tạo của các em. Phát hiện những tiềm năng của HS và khơi gợi, động viên để các em phát huy được năng lực riêng của bản thân. Có sự nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý HS, giàu tình yêu thương…