Trường học hạnh phúc: Cây cầu kết nối giáo viên và học sinh

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc không phải ý tưởng xa vời khi thầy cô tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh thân yêu. Cán bộ quản lý biết quan tâm, chăm lo cho đội ngũ giáo viên.

Trường THCS Chu Mạnh Trinh trao thưởng cho học sinh trong Ngày hội sách & STEM năm học 2020-2021. Ảnh: NVCC.
Trường THCS Chu Mạnh Trinh trao thưởng cho học sinh trong Ngày hội sách & STEM năm học 2020-2021. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Mạnh Trinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có những chia sẻ về phương pháp xây dựng môi trường hạnh phúc cho thầy và trò.

Trường học là cầu nối

Mô hình Trường học hạnh phúc, do UNESCO đưa ra vào năm 2017, là sáng kiến toàn cầu với tầm nhìn xa hơn về các lĩnh vực học tập truyền thống. Trong đó, quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa hạnh phúc và chất lượng giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Hồng cho biết, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo ngôi trường hạnh phúc. Khi thầy cô yên tâm công tác, duy trì nguồn cảm hứng trong giảng dạy, học sinh sẽ được trải nghiệm những giờ học hạnh phúc.

“Nhà trường luôn quan tâm, đáp ứng nhu cầu, kiến nghị của giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô trong công việc. Trong năm học, trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho giáo viên, học sinh như ngày hội văn hóa, ngày hội thể thao…, là cầu nối giữa giáo viên và học sinh”, cô Hồng chia sẻ.

Nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp yêu cầu có sự tham gia của thầy và trò, trong đó giáo viên là người hướng dẫn, học sinh trực tiếp tham gia. Không chỉ giải tỏa áp lực sau giờ học, các chương trình là cơ hội gắn kết thầy trò, tạo dựng nguồn cảm hứng cho các tiết học tiếp theo.

Đơn cử, tháng 3/2021, Trường THCS Chu Mạnh Trinh tổ chức ngày hội thể thao “Be Stronger - Be Better” với 3 phần thi dành cho học sinh gồm nhảy Flashmob, các trò chơi theo trạm, bóng rổ. Giáo viên thể dục, giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng huấn luyện viên của Học viện thể thao Vanguard lên kế hoạch tổ chức, chuẩn bị và thành lập đội tuyển tranh tài giữa các lớp, các khối.

Gian hàng của học sinh trong Ngày hội sách & STEM năm học 2020-2021. Ảnh: NVCC.
Gian hàng của học sinh trong Ngày hội sách & STEM năm học 2020-2021. Ảnh: NVCC.

Tạo môi trường cho học sinh sáng tạo, ứng dụng kiến thức trong học tập vào thực tế thông qua giáo dục STEM cũng nằm trong mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc của Trường THCS Chu Mạnh Trinh.

Hàng năm, nhà trường phát động nhiều cuộc thi như chế tạo tên lửa, xe phản lực... Dựa trên ý tưởng của học sinh, giáo viên sẽ gợi ý phương pháp chế tạo hoặc khắc phục điểm chưa được của dự án đem dự thi.

Em Nguyễn Quang Trí, học sinh nhà trường bày tỏ: “Em muốn gửi lời tri ân đến thầy cô, những người đã tạo điều kiện cho chúng em học tập, vui chơi, cho chúng em kiến thức để phát triển toàn diện. Các thầy cô truyền đạt rất hay, rất dễ nhớ. Chúng em đi học với tâm trạng vui vẻ, tinh thần thoải mái, không áp lực”.

Thầy cô không ngại thay đổi

Với giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp học hạnh phúc gắn liền với thực hiện Chương trình GDPT mới, vốn không nặng kiến thức nhưng đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hậu, giáo viên lớp 1 (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Phú Thọ), bí quyết để xây dựng giờ học hạnh phúc trong Chương trình GDPT mới là linh hoạt sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu khác để hoàn thành hoạt động bài học một cách có hiệu quả. Giáo viên tận dụng triệt để thiết bị dạy học, học liệu như bài giảng điện tử, sách điện tử… nhằm tạo hứng thú, nâng cao năng lực phẩm chất cho học sinh.

“Người thầy phải linh hoạt sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu khác để hoàn thành các hoạt động của bài học một cách hiệu quả nhất. Trong giờ học, giáo viên đan xen các hoạt động vui chơi, hoạt động trải nghiệm, không tạo quá nhiều áp lực cho học sinh trong học tập”, cô Hậu chia sẻ quan điểm.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng trong giờ Tin học. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng trong giờ Tin học. Ảnh: NVCC.

Với cô Trần Lan, giáo viên môn Tin học (Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, tỉnh Lào Cai), thầy cô phải cập nhật kiến thức, công nghệ mới nhằm tạo dựng niềm hứng khởi cho học sinh mỗi giờ lên lớp.

“Để việc kiểm tra bài cũ bớt khô khan, tôi tạo câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm Quizz. Học sinh xung phong trả lời, không còn sợ bị cô gọi tên. Ngoài ra, mỗi khi có thời gian, tôi lên mạng tự học, tự tìm hiểu thêm để học sinh có thể trải nghiệm nhiều ứng dụng Tin học bổ ích”, cô Lan bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.