Để trường học trở thành “ngôi nhà” thứ 2, người thầy không chỉ bồi dưỡng về chuyên môn, đạo đức… mà phải biết quản lý cảm xúc của mình trên suốt hành trình giáo dục.
Yếu tố hình thành nhân cách học trò
TS Lê Thị Mỹ Dung, khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng chỉ ra: Với HS tiểu học, cảm xúc là yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả học tập. GV là nhân tố quan trọng thỏa mãn về mặt cảm xúc của HS. Như vậy, cách ứng xử, phương pháp dạy học của GV đóng vai trò quan trọng đối với xúc cảm và kết quả học tập của HS. Thầy cô như “thần tượng” của trẻ, do đó thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp sẽ quyết định sự bình yên hay không bình yên về mặt tình cảm của HS khi
tới trường.
Gần 20 năm gắn bó với công tác dạy học, cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cũng cho rằng: Sự đồng ý hay khen ngợi của GV đủ để HS thỏa mãn về cảm xúc. Không những thế, GV là người thường xuyên nắm bắt và đánh giá mọi mặt của học trò, nhất là học tập. Những đánh giá này là cơ sở quan trọng quyết định vị thế của HS trong tập thể lớp, cũng như vị trí của các em trong hệ thống các mối quan hệ với bạn cùng lớp.
Như vậy, việc rèn luyện để có kĩ năng quản lý cảm xúc, biết kiểm soát, điều chỉnh xúc cảm chưa chuẩn mực, phát huy những xúc cảm tích cực nhằm tạo mối quan hệ thân thiết, đồng cảm, chia sẻ giúp HS phát triển toàn diện ngày càng trở nên cần thiết với người thầy.
GV biết quản lý cảm xúc hiệu quả cũng góp phần quan trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện. HS được tôn trọng, đến trường trong sự háo hức, bình an và niềm tin với người thầy.
Quản lý cảm xúc cách nào?
Toàn ngành Giáo dục đang bước vào đổi mới với những yêu cầu mới đặt ra cho GV từ chuyên môn lẫn phương pháp giảng dạy. Mặt khác, phong trào xây dựng trường học hạnh phúc được các trường tích cực triển khai cũng mang lại tác động tích cực với GV từ kiến thức tới phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít GV chậm đổi mới về chuyên môn, phương pháp giáo dục, còn biểu hiện cảm xúc và phản ứng tiêu cực. Có GV đặt nặng kết quả học tập do sự yếu kém của HS hơn là sự khiếm khuyết về phương pháp dạy học, hoặc mối quan hệ thầy trò.
Khi GV có định kiến, thiếu đồng cảm chia sẻ với những khó khăn mà HS gặp phải dễ có biểu hiện cảm xúc tiêu cực (tức giận, thờ ơ…). Có trường hợp, GV dùng vũ lực (đánh vào tay, ấn đầu vào bàn...) vì HS mất trật tự hoặc học tập chậm tiến bộ.
Nói về cách quản lý cảm xúc trong dạy học, cô Đỗ Huyền Trang, GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: HS lớp 1 đặc biệt khi mới vào trường thường rất tự do về mặt kỷ luật trật tự. Nhiều HS hiếu động, có em lại tự kỷ thể nhẹ, hành động tự phát.
“Đôi khi cảm thấy bất lực vì dù được nhắc nhở nhiều lần mà HS vẫn mắc lỗi. Tuy nhiên, rơi vào những tình huống như vậy chỉ biết kìm nén cảm xúc, bước ra khỏi lớp 2 - 3 phút lấy lại bình tĩnh rồi tiếp tục công việc. HS dù thế nào vẫn cần được giáo dục bằng sự động viên, chia sẻ, sự uốn nắn nhẹ nhàng. Có như vậy, cô giáo mới trở thành mẹ “hiền”, trường học là ngôi nhà thứ 2 của các em…” – cô Đỗ Huyền Trang bày tỏ.
Còn với cô Nguyễn Hồng Hải, bí quyết để quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học là luôn coi HS như con. Sai đâu cô góp ý và gọi ra ngoại nói chuyện riêng để HS hiểu và tự giác sửa chữa. Với HS THPT, các em nhạy cảm và đã biết suy nghĩ. Nếu bị mắng nhiếc, quát tháo… các em có xu hướng làm ngược và cố tình vi phạm để thể hiện cái tôi.
“Tức giận đến mấy về hành vi thiếu chuẩn mực của học trò…, người thầy vẫn phải bình tĩnh để góp ý uốn nắn dần dần. Nếu GV không chủ động quản lý cảm xúc trước những tình huống giáo dục không mong muốn sẽ dẫn tới lời nói, hành động thiếu chuẩn mực. Học trò tự ti, thậm chí sợ học…” – cô Hải chia sẻ quan điểm.
TS Lê Thị Mỹ Dung cũng chỉ ra hàng loạt biện pháp giúp GV phát triển kĩ năng tự quản lý cảm xúc. Đó là nắm được trạng thái tâm lý HS tại thời điểm tình huống sư phạm xảy ra; tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của tâm trạng tiêu cực HS đang có… từ đó tự điều chỉnh xúc cảm của mình cho phù hợp.
GV cần có phương pháp chuyển hướng hoạt động. Khi có cảm xúc không mong muốn nên chuyển hướng từ hoạt động gây xúc cảm không mong muốn sang hoạt động khác.
Thậm chí, muốn tự điều chỉnh được xúc cảm, GV cần thiết phải học cách chia sẻ ý kiến, quan điểm của bản thân thông qua việc lắng nghe và bày tỏ với người thân cận, đáng tin cậy. GV cũng có thể tham gia các khóa học về kĩ năng kiểm soát xúc cảm, ứng xử, giao tiếp để quản lý cảm xúc hiệu quả hơn...