Trường học hạnh phúc - nền tảng của chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Từ triển khai mô hình trường học hạnh phúc (THHP) đã giúp nhiều trường học không chỉ lan tỏa những giá trị yêu thương, an toàn… trong học đường mà còn trở thành điểm tựa vững chắc nâng cao cho chất lượng giáo dục

Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố (Bắc Hà – Lào Cai)
Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố (Bắc Hà – Lào Cai)

Kiến tạo học đường an toàn, thân thiện

Có thể thấy, việc triển khai, kiến tạo mô hình THHP đã được BGH nhiều trường học xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại.

Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) đã không ngừng nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể, thiết thực giúp học sinh (HS) cảm nhận sự an toàn, hạnh phúc và coi trường lớp như ngôi nhà thứ 2.

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), để giúp HS cảm nhận niềm vui mỗi khi tới trường, GV đã triển khai hình thức đón HS vào lớp theo biểu tượng cảm xúc.

Cô giáo Đỗ Huyền Trang chia sẻ: Những cái ôm, bắt tay, đập tay, cụng tay… trước đây khá xa lạ với cả GV và HS nhưng khi áp dụng đã giúp trẻ mau chóng bỏ lại lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu (đặc biệt với HS lớp 1). Các em cảm thấy thoải mái, tự tin, dễ dàng hòa nhập và học tập.

Xây dựng THHP giúp HS Trường TH Phan Đình Giót đạt kết quả cao. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)
Xây dựng THHP giúp HS Trường TH Phan Đình Giót đạt kết quả cao. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Với Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội), cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng cho biết: Để xây dựng THHP nhà trường đã quan tâm đến hoàn cảnh từng GV, HS trong trường, lớp. Yêu cầu GV chủ nhiệm nắm bắt tâm lí, năng lực, nhu cầu của mỗi HS để có phương pháp giáo dục phù hợp, động viên giúp HS vượt qua hoàn cảnh tới trường.

Nhà trường bên cạnh nhiệm vụ truyền thụ kiến thức còn thông qua những hoạt động cụ thể để tạo cơ hội, điểm tựa cho HS yên tâm học tập như: Giúp đỡ, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu kém miễn phí; hỗ trợ học phí, sách vở, lương thực HS có hoàn cảnh khó khăn…

Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên cũng cho biết, hoạt động thiết thực gần đây nhất đó là trường đã huy động và trao lương thực giúp đỡ cho 50 GV và gia đình HS gặp khó vì tác động của dịch Covid-19…

Có thể nói, xây dựng THHP đang được mỗi nhà trường triển khai theo hướng riêng cho phù hợp với thực tế. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố (Bắc Hà – Lào Cai), đã và đang tạo ra môi trường học tập xanh, sạch đẹp để thu hút HS tới trường.

Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng cho biết: Trường đã trang bị hệ thống cây cảnh, bồn hoa… khắp các hành lang, lớp học; Các khu tiểu cảnh, chòi đọc sách cũng được bố trí sạch đẹp, bắt mắt và tiện lợi cho giáo dục trải nghiệm.

 “Xây dựng trường học sinh động, hấp dẫn, HS đến trường không chỉ nhìn thấy cờ, khẩu hiệu cứng nhắc… là điều nhà hướng tới. Từng góc lớp, ban công, lan can, sân trường đều được bố trí hoa cảnh đẹp mắt sẽ tạo ra sự thân thiện, ấn tượng và tự hào về ngôi trường trong mỗi HS. Từ đó các em sẽ thêm gắn bó, coi trường lớp như ngôi nhà thứ 2; sinh hoạt, học tập hạnh phúc từng ngày, từng giờ tại trường…” –thầy Nguyễn Văn Lục bày tỏ.

Trong môi trường học tập sạch đẹp, thân thiện, HS Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) tự tin hội nhập. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)
Trong môi trường học tập sạch đẹp, thân thiện, HS Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) tự tin hội nhập. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Với cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương – Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) xây dựng THHP đó là tạo ra sự thay đổi không khí, môi trường học tập từ lớp học.  Bởi “HS học 2 buổi/ngày, thời gian ở trường gần bằng ở nhà. Do đó nếu không được quan tâm, thầy cô không thân thiện, chia sẻ, giúp đỡ… HS sẽ khó tự tin học tập, phát huy nội lực bản thân, mạnh dạn bộc lộ quan điểm, suy nghĩ…

Chình vì vậy, GV nhà trường thường xuyên động viên, khuyến khích, thậm chí khen ngợi bằng những phần thưởng cho HS trong học tập, sinh hoạt dù chỉ là tiến bộ nhỏ. GV đều xác định tư tưởng chỉ có sự kiên trì, nhẫn nại, thân thiện của cô giáo mới giúp trò tiến bộ chứ không phải bằng quát mắng, trì triết…”- cô Lan Phương trao đổi.

Có thể thấy, xây dựng THHP dù ở đâu thì các nhà trường, thầy cô cũng đều hướng tới phương châm giáo dục “Lấy người học làm trung tâm” từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, nhà trường, thầy cô giáo đã thay đổi và trở thành những người hỗ trợ, “phục vụ” chu đáo tận tình, tất cả vì quyền lợi của HS khi tới trường.

Môi trường học tập sạch đẹp, lấy học sinh làm trung tâm tại trường TH Phan Đình Giót (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)
Môi trường học tập sạch đẹp, lấy học sinh làm trung tâm tại trường TH Phan Đình Giót (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Điểm tựa của chất lượng giáo dục

NGƯT Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót trao đổi: Xây dựng THHP luôn là trăn trở của CBQL, GV nhà trường. Điều đó cũng trở thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm chung của trường ở chặng đường phía trước.

Thực tế từ xây dựng THHP tại trường đã cho thấy, không chỉ là sự chuyển biến kết quả, thành tích học tập của HS tăng lên mà đội ngũ GV cũng không ngừng thay đổi về “chất”. Các thầy cô đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, chủ động tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng từng tiết học.

Tới nay, nhiều GV đã đạt được thành tích GV dạy giỏi cấp quận, thành phố. Việc triển khai CTGDPT 2018 dù ở năm học đầu tiên và bước sang năm thứ 2 đã chủ động, linh hoạt và không gặp khó khăn. Nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh trong khu vực và luôn mong muốn gửi con tới trường…

HS Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) học tập trong môi trường được đảm bảo an toàn, thân thiện (Ảnh chụp khi HS Hà Nội chưa phải nghỉ học để phòng, chống dịch)
HS Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) học tập trong môi trường được đảm bảo an toàn, thân thiện (Ảnh chụp khi HS Hà Nội chưa phải nghỉ học để phòng, chống dịch)

Cô Đinh Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên cũng khẳng định: Được sinh hoạt, học tập trong môi trường an lành, thân thiện, có sự giúp đỡ sẻ chia... giúp HS thêm yêu trường lớp, thầy cô, các em cũng được giáo dục kĩ hơn những bài học về ứng xử, thái độ, trách nhiệm với xã hội.

Đáng nói, tình trạng bạo lực học đường của HS đã cơ bản loại bỏ. Tỉ lệ HS cuối cấp đỗ vào THPT ngày càng tăng cao. GV và HS gắn bó trường lớp, đồng nghiệp, bạn bè; Giữa nhà trường và phụ huynh luôn có sự tin tưởng, đồng hành trong các hoạt động giáo dục và xã hội…

Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giảng Phố cũng cho biết: Xây dựng THHP giúp nhà trường rất nhiều trong việc huy động HS đi học đầy đủ sau những dịp nghỉ Tết, hè. Hiện nay, GV không còn phải tới tận nhà “kéo” HS trở lại học tập.

Tỉ lệ chuyên cần tăng đồng nghĩa chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, học sinh tự tin hội nhập. Dù là trường vùng cao khó khăn nhưng HS của trường không còn dừng lại ở những cuộc thi cấp trường, cấp huyện mà còn thi đấu và có giải ở cuộc thi cấp tỉnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.