Bài học 'không nghe dân'

GD&TĐ -Sáng 20/7, hành khách từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn được thông báo rằng, cảng Bến Đình không thể đón tàu khách được vì hôm nay có gió Nam “săn”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vậy là, gió Nam “săn” tiếp tục phong tỏa cảng Bến Đình kể từ khi cảng này vận hành thử nghiệm cách đây 10 ngày.

Sau gần 6 năm xây dựng với nhiều lần trì hoãn, cuối cùng cảng Bến Đình thuộc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng được đưa vào vận hành thử nghiệm hôm mùng 10/7. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, tàu chở 150 khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn không thể cập cảng này vì “thời tiết bất lợi”, buộc phải chở khách cập cảng Lý Sơn (cảng cũ).

Xin lưu ý là, hôm 16/7 hoàn toàn không có mưa bão gì ở khu vực Biển Đông mà chỉ là gió Nam “săn” khiến tàu chao đảo mạnh, không thể cập cảng được. Hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9, ngoại trừ do ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông thì khu vực đảo Lý Sơn luôn có gió Nam “săn”. Nghĩa là, thời tiết trong khoảng thời gian đó luôn bất lợi cho việc tàu khách cập cảng Bến Đình.

Trả lời báo chí lý do vì sao tàu khách khó cập cảng Bến Đình nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn quyết tâm xây cảng tại vị trí đó để rồi tàu cập không được phải chuyển về cảng cũ, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi - chủ đầu tư cảng Bến Đình - nói rằng, tỉnh sẽ tiếp tục dự án làm đê chắn sóng 250 tỷ đồng nữa thì tàu sẽ cập cảng tốt!

Nghĩa là, tỉnh này phải “chờ” thêm 3 năm nữa thì sóng mới hết chao lắc, tàu mới cập bến an toàn. Như vậy, muốn cho tàu cập cảng Bến Đình, tổng số tiền mà ngân sách phải đầu tư vào đó là 506 tỷ đồng gồm 256 tỉ xây cảng và 250 tỉ làm đê chắn sóng!

Vì đâu có chuyện trái khoáy này? Xin được bắt đầu bằng tên gọi của cảng. Theo các bô lão ở Lý Sơn, khu vực này hoàn toàn không có tên Bến Đình mà tên này do chủ đầu tư tự nghĩ ra. Có phải gắn chữ “bến” vào thì mới hợp lý để thuyết minh với công luận rằng, trước đây chỗ ấy đã là một bến đậu của tàu thuyền chăng? Lý Sơn có hai đình lớn ở An Vĩnh và An Hải.

Riêng đình An Vĩnh nằm cách cảng Bến Đình hiện tại đến 3 cây số, là nơi xuất phát của các binh phu ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia từ 300 năm trước. Vì vậy, vị trí được gọi là “cảng Bến Đình” hiện nay hoàn toàn không có trong ký ức của người Lý Sơn về một “bến cảng” từng có trước đây.

Lý do để người Lý Sơn không chọn chỗ được gọi là “cảng Bến Đình” làm nơi neo đậu tàu thuyền vì đây là vùng “chứa gió” của Lý Sơn, ngay cả trong những tháng hè thời tiết thuận lợi nhất cho việc ra khơi.

Chính vì kinh nghiệm mang tính trao truyền này nên khi nghe tỉnh Quảng Ngãi đầu tư làm cảng ở đây, các bô lão kỳ cựu ở Lý Sơn đã can gián là không nên xây cảng vì tàu sẽ không cập được. Rất tiếc là, chủ đầu tư chỉ xem đây như một ý kiến tham khảo không đủ trọng lượng để họ thay đổi ý định. Và cuối cùng, thiên nhiên đã có câu trả lời chuẩn xác nhất như mọi người đã thấy trong 10 ngày qua!

Bài học “nghe dân” tưởng như đã cũ, hóa ra nó luôn luôn mới là vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ