Đây là vấn đề khá nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người nên cũng như các lần trước việc tranh luận hết sức sôi nổi, gay gắt với nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Lý do, họ đưa ra là việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ lấy mất cơ hội việc làm của lớp trẻ mới ra trường. Ngoài ra, một số trường hợp người lao động làm việc ở những ngành nghề đặc thù hoặc lao động nặng nhọc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc...
Đối với những người muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu cho rằng việc nghỉ hưu như hiện nay là quá sớm, nhiều người mới học hành xong, bước vào độ chín của công việc chưa kịp công hiến đã phải nghỉ hưu. Mặt khác, việc nước ta có dân số trẻ lại nghỉ hưu sớm sẽ tạo gánh nặng cho xã hội, nguy cơ gây vỡ quỹ bảo hiểm xã hội... Có thể nói, các ý kiến đưa ra đều có lý của nó và tranh luận gay gắt, chưa có hồi kết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chưa thống kê được chính xác bao nhiêu người muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu, bao nhiêu người không.
Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành trưng cầu ý dân đối với về độ tuổi nghỉ hưu. Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ 1/7/2016, tuy nhiên gần một năm qua chưa được triển khai, áp dụng trên thực tế, vì nước ta chưa thực hiện cuộc trưng cầu dân ý nào.
Từ khi Luật Trưng cầu ý dân được ban hành, cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức rất kỳ vọng là sẽ có thêm kênh thông tin để lắng nghe, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân một cách trực tiếp, toàn diện. Ngược lại, người dân cũng có cơ hội thể hiện quan điểm, ý kiến của mình, đặc biệt là thực hiện quyền lực trực tiếp của mình đối với việc quản lý hoạt động của đất nước. Đồng thời, thông qua trưng cầu ý dân giúp cho cơ quan chức năng, người có thẩm quyền đưa ra được những chủ trương, chính sách sát đúng, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng, mong muốn của đa số nhân dân.
Có thể nói, đây là thời điểm thích hợp để triển khai áp dụng Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm tổ chức trưng cầu ý dân để lấy ý kiến người dân về tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề quan trọng không nên để một số người tự quyết, nhất là khi còn có nhiều ý kiến khác nhau và đặc biệt là Quốc hội đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân - cơ sở pháp lý cao nhất cho phép thực hiện cuộc trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân là cơ sở quan trọng để khi triển khai áp dụng các quy định pháp luật được đa số người dân đồng tình, ủng hộ và chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao trong thực tiễn cuộc sống.