Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên).
Năng lực phát triển chương trình giáo dục
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, đây là năng lực cơ bản đối với giảng viên sư phạm.
Mặc dù hiện nay, giảng viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về chương trình giáo dục nhưng còn chưa có các kĩ năng cụ thể về xác định mục tiêu chương trình; lựa chọn nội dung học vấn cốt lõi để xây dựng chương trình; lựa chọn các mô hình giáo dục, các phương án giáo dục; phân tích bối cảnh, khảo sát nhu cầu của thị trường lao động...
Bản thân giảng viên cũng còn hạn chế về triết lí chương trình dạy, chương trình học, kết cấu chương trình giáo dục, sự cân bằng giữa khối kiến thức, giữa lí thuyết với thực hành.
PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, những hạn chế này thể hiện rõ nhất khi giảng viên được giao xây dựng chương trình đào tạo.
Khi giảng viên ít quan tâm đến phát triển chương trình đào tạo thì bản thân họ sẽ rất khó hình thành năng lực phát triển chương trình cho sinh viên sư phạm mà năng lực xây dựng và phát triển chương trình giáo dục trong nhà trường chính là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên các cấp khi triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới theo Nghị quyết số 29.
Năng lực tổ chức dạy học và đánh giá
PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết: Kế hoạch dạy học chi tiết của giảng viên sư phạm hiện nay chưa thể hiện rõ được 4 hình thức dạy học cơ bản của giáo dục đại học như: Diễn giảng (tương ứng với cách dạy học thuyết trình nêu vấn đề); tự học (bài tập); nghiên cứu khoa học (thực hành) và seminar (thảo luận).
Vì vậy, nhà trường đã định hướng chỉ đạo giảng viên việc phối hợp linh hoạt và sáng tạo trong triển khai các hình thức dạy học nêu trên để làm thay đổi chức năng của giảng viên là người hướng dẫn học thay cho người truyền đạt kiến thức.
Sự thay đổi chức năng này có ảnh hưởng rất quan trọng đối với giáo sinh sư phạm để trong tương lai, đội ngũ này cũng phải thể hiện chức năng “hướng dẫn, tổ chức học tập” cho học sinh theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
"Trường ĐH SP Thái Nguyên đã chỉ đạo rất cẩn thận và cụ thể việc xây dựng đề cương môn học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ và phổ biến đến mọi giảng viên" - PGS.TS Phạm Hồng Quang cho hay.
Năng lực tự bồi dưỡng về học vấn giáo dục đại học
Hiện nay, chúng ta chưa có phương án đào tạo giảng viên sư phạm có tầm chiến lược. Các trường sư phạm vẫn làm theo cách cũ là giữ lại sinh viên giỏi (vốn được đào tạo ra làm giáo viên phổ thông) để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ và trở thành giảng viên.
Nhiều giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mặc dù đội ngũ giảng viên này có học vị, có kiến thức lí thuyết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học.
Đưa ra thực trạng trên và trước tình trạng khan hiếm người được đào tạo hệ thống và cơ bản về chương trình giáo dục và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, Trường ĐH SP Thái Nguyên đã cử hàng trăm lượt giảng viên đi tập huấn trong nước và hàng chục giảng viên tập huấn tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Australia về phát triển chương trình.
Đồng thời, giao nhiệm vụ mọi giảng viên phải xuống trường phổ thông để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế dạy học ở trường phổ thông.
Năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu
Thực tế qua nhiều thập kỉ vừa qua, nhà trường sư phạm hình thành 2 nhóm giảng viên: Nhóm dạy các môn tâm lí, giáo dục, quản lí giáo dục, phương pháp giảng dạy bộ môn và nhóm giảng dạy nội dung khoa học cơ bản.
Điều này rất cần hợp sức của nhà khoa học “sản xuất” ra các tri thức mới phù hợp với chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực đào tạo, nhà sư phạm xem xét việc đưa vào chương trình nội dung gì để hình thành năng lực theo mục tiêu đầu ra của người tốt nghiệp. Giảng viên sư phạm có năng lực hợp tác tốt sẽ giải quyết được các mâu thuẫn trên đây.
"Dự án POHE có tác dụng tốt trong việc triển khai 5 chương trình đào tạo của Trường ĐH SP Thái Nguyên, đồng thời cũng làm thay đổi chức năng nhiệm vụ của người giảng viên biết phối hợp với công giới, gắn với thị trường lao động, thường xuyên khảo sát nhu cầu thị trường, tăng cường thực hành nghề nghiệp cho sinh viên" - PGS.TS Phạm Hồng Quang thông tin.