Yêu thương, an toàn và tôn trọng

GD&TĐ - Những ngày qua, dư luận bất bình trước vụ nữ sinh ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có lời lẽ thô tục với thầy giáo trong lớp học.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Một lần nữa, vấn đề đạo đức của học sinh, truyền thống “tôn sư trọng đạo” lại được thảo luận sôi nổi.

Nhiều người cho rằng, đây là sự việc đáng tiếc, “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng, đó là câu chuyện buồn cần được loại bỏ. Trường học vẫn được coi là “thánh đường” của nghi lễ, ở đó học sinh được dạy chữ, dạy người. Chẳng thế mà, hầu hết trường học đều treo biển “Tiên học lễ, hậu học văn” ở những nơi trang trọng để học sinh dễ nhìn, dễ học nhất.

Đó như lời nhắc nhở với học trò rằng, đến trường học là để học văn hóa, học kiến thức mà thầy cô truyền dạy. Thế nhưng, trước khi muốn học những điều mới mẻ, to lớn ấy thì mỗi người cần ý thức được việc học đạo đức, ứng xử, rèn luyện bản thân. Đây mới là điều quan trọng.

Nhớ lại, trong bậc thang giá trị thời phong kiến, nhà giáo được xếp sau vua và trước cha mẹ “quân - sư - phụ”. Dẫu không phải là đấng sinh thành, nhưng thầy giáo là người dìu dắt các thế hệ học sinh lớn lên về trí tuệ, tâm hồn và sự hiểu biết. Vì thế, việc học sinh chửi lại thầy giáo của mình là điều không thể chấp nhận.

Vẫn biết, truyền thống “tôn sư trọng đạo” dẫu không còn bị ràng buộc bởi những lễ giáo như thời phong kiến nhưng luôn được xã hội và các thế hệ thầy - trò tiếp tục gìn giữ, phát huy bằng cái tâm và đạo thầy - trò. Trong xã hội hiện đại, việc dạy - học không còn là một chiều. Theo đó, học sinh có thể phản biện, trao đổi với thầy, cô giáo nếu thấy chưa hợp lý. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc cự cãi “đôi co” với thầy, cô giáo của mình và càng không thể “chửi” người đã dạy dỗ, dìu dắt mình. Đó là sự vô lễ và đi ngược với truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Tuy nhiên, trước bất cứ sự việc nào cũng cần nhìn nhận từ hai phía. Nghĩa là, cả thầy và trò cùng vun đắp, xây dựng nét đẹp văn hóa học đường. Hơn lúc nào, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức. Trước những tình huống sư phạm ngoài “giáo án”, cần bình tĩnh, quản trị cảm xúc của mình để có hành vi ứng xử đúng mực. Trên hết là cùng nhau xây dựng trường học trở nên hạnh phúc để không xảy ra những câu chuyện buồn và không ai bị tổn thương.

Còn nhớ, UNESCO xác định 22 tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P, trong đó có mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên… Còn theo Bộ GD&ĐT, ba yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Suy cho cùng, giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm sâu sắc đến mỗi con người. Giáo dục phải vì con người, vì sự tiến bộ của học trò. Giáo dục phải cảm hóa, giúp người học nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để không ngừng vươn lên hoàn thiện mình. Nhưng yêu thương phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, với nếp sống văn minh và tiến bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.