Giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên: Không 'đóng khung' trong trường học

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, không thể đạt hiệu quả nếu “đóng khung” trong trường học. Chia sẻ của nhà quản lý, chuyên gia cho thấy rất cần sự tham gia của nhà trường, gia đình và xã hội.

Kết nối gia đình - nhà trường rất quan trọng trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Ảnh: TG
Kết nối gia đình - nhà trường rất quan trọng trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Ảnh: TG

Tăng cường kết nối

Những năm qua, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều giải pháp hiệu quả để kết nối nhà trường, gia đình trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Trường đã thành lập các câu lạc bộ sinh viên tự quản, tạo ra mạng lưới kết nối giữa nhà trường, sinh viên và gia đình.

Đối với sinh viên gặp khó khăn về đời sống tình cảm, ảnh hưởng tới tâm lý hay học tập, nhà trường cũng thông qua mạng lưới này để nắm bắt và liên hệ trực tiếp với gia đình các em. Qua đó, hai bên cùng trao đổi và tìm cách tháo gỡ.

TS Hà Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Đại học Giáo dục - cho hay: Cùng với sự phối hợp của nhà trường, gia đình, các tổ chức xã hội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phần lớn, sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, nỗ lực phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, có ý chí tự lập, tư duy sáng tạo trong lập nghiệp, khởi nghiệp. 100% sinh viên tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường cũng như ngoại khoá.

Nhà trường cũng thường xuyên tìm cách liên hệ với phụ huynh thông qua các mạng lưới cố vấn học tập, Đoàn Thanh niên, Phòng Công tác học sinh, sinh viên để tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em; xây dựng kế hoạch phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội cụ thể theo từng năm học.

Ngoài ra, nhà trường đã gắn trách nhiệm của ban giám hiệu trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên, đồng thời đề xuất địa phương, các ban, ngành thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên đi vào nền nếp, quy củ.

Vũ Gia Khoa - sinh viên ngành Toán và Khoa học Tự nhiên sau 4 năm học tập rèn luyện tại Trường Đại học Giáo dục cho biết: Trường có môi trường học tập tốt, các thầy cô tâm huyết, nhiệt tình. Không chỉ được trau dồi kiến thức kỹ năng, em còn được các thầy cô truyền đạt những giá trị sống, bài học về đạo đức, lối sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Còn tại địa phương, bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ: Trước đây, trong một số trường học vẫn còn hiện tượng học sinh thiếu lễ phép, hay gây gổ đánh nhau… Nhưng gần đây, hành vi chưa tốt này đã giảm rất nhiều.

Có được thành quả đó, một phần không nhỏ nhờ đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trọng việc định hướng, giáo dục đạo đức lối sống cho các em. Hiện, 100% trường trên địa bàn thành phố đều triển khai các bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, đồng thời có sự kết nối thường xuyên với phụ huynh để chung tay giáo dục trẻ.

Sinh viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: TG

Sinh viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: TG

Đề cao giáo dục gia đình

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), vai trò của sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên đặc biệt quan trọng. Nhất là trong thời điểm này, học sinh, sinh viên được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý cũng như cách hành xử của các em.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo phải hiểu và xác định rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc phối hợp với gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, đặc biệt là phát huy vai trò trung tâm của nhà trường trong việc kết nối các yếu tố còn lại. Do đó, cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và tổ chức chính trị về mối quan hệ của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên.

Để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện kết nối nhà trường - gia đình - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức các hoạt động sinh hoạt về nội dung này.

Theo ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội), thực hiện Chương trình của chính phủ, thành phố ban hành kế hoạch cụ thể nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong việc tuyên truyền về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Đặc biệt, các nhà trường sẽ thực hiện nâng cao hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, tổ chức buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống tại gia đình cho học sinh, sinh viên. Chính quyền địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền về giá trị của gia đình, văn hóa ứng xử, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình để phát triển con người toàn diện.

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình, ông Hoàng Hữu Trung cho biết: Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hà Nội sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình; ưu tiên vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc và nơi có khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. - Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.